08:05 02/07/2012

Chỉ nên tạm trữ 500 ngàn tấn gạo

Nguyễn Huyền

Theo VFA, trước mắt sẽ mua tạm trữ 500 ngàn tấn gạo, sau đó xem xét diễn biến thị trường rồi quyết định tiếp

Theo VFA kế hoạch xuất khẩu gạo của quý 3 là 2,1 triệu tấn, mỗi tháng sẽ xuất 700 ngàn tấn gạo.
Theo VFA kế hoạch xuất khẩu gạo của quý 3 là 2,1 triệu tấn, mỗi tháng sẽ xuất 700 ngàn tấn gạo.
Trước tình hình diễn biến thị trường gạo xuất khẩu không mấy khả quan, để giúp tiêu thụ tốt lúa hè thu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trước mắt chỉ nên tạm trữ 500 ngàn tấn, thời gian triển khai từ ngày 10/7-10/8 sẽ mua theo giá thị trường, doanh nghiệp tham gia tạm trữ sẽ được hỗ trợ lãi suất trong 3 tháng.

Theo VFA kế hoạch xuất khẩu gạo của quý 3 là 2,1 triệu tấn, mỗi tháng sẽ xuất 700 ngàn tấn gạo, nếu đạt kế hoạch thì 3 quý sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tấn gạo, so với kế hoạch xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn dự kiến đầu năm là trong tầm tay.

Theo  ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, kế hoạch như vậy nhưng nếu còn gạo thì vẫn xuất không giới hạn số lượng. Mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2012 của Chính phủ là chú trọng số lượng, giá trị và hiệu quả không đặt thành mục tiêu lớn.

Hiện nay, giá lúa hè thu bằng với giá lúa đông xuân khi các doanh nghiệp chưa triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Nếu so với thời điểm đang mua tạm trữ và cũng là lúc lúa đông xuân có giá tốt nhất thì lúa hè thu 2012 thấp hơn bình quân 300-400 đ/kg. Theo các chuyên gia, quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ đã “cứu” giá lúa đông xuân, giúp nông dân ĐBSCL có vụ lúa khá thành công dù mức lợi nhuận không cao bằng những năm trước đó.

Như vậy, quyết định tạm trữ gạo đã đạt hiệu quả nhất định, nếu không giá lúa gạo trong nước sẽ tuột dốc và nông dân sẽ rất khó khăn. Đó cũng là nhận định tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, triển khai xuất khẩu 6 tháng cuối năm. Nếu lấy giá lúa gạo lúc triển khai mua tạm trữ so với giá ở thời điểm này, thì các doanh nghiệp đang lỗ bình quân 30 USD/tấn. Đến hạn, để có tiền trả nợ ngân hàng doanh nghiệp phải bán gạo ra cho dù giá trên thị trường đang rất thấp.

“Thời gian doanh nghiệp tạm trữ gạo được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày 15/3/2012 đến hết ngày 15/6/2012. Đến nay vẫn còn khoảng 900 ngàn tấn gạo tạm trữ trong kho, nếu không muốn bán lỗ mà giữ gạo lại thì chúng tôi phải vay ngân hàng với lãi suất 14%/năm. Thà bán lỗ còn hơn chịu lãi, sau đó đi vay lại để có tiền mua lúa hè thu. Vả lại bây giờ lãi suất cũng chỉ khoảng 11%-12%/năm”, một doanh nghiệp phân tích.

Hiện nay, tình hình lúa gạo thế giới tồn kho lớn, thương mại giảm, giá thấp. Ấn Độ tồn kho 32-33 triệu tấn, buộc phải giảm giá mạnh để đẩy hàng ra. Thái Lan mới thu hoạch 9 triệu tấn gạo, cộng với 2 triệu tấn tồn kho đưa lượng tồn kho của Thái Lan lên 11 triệu tấn gạo. Áp lực phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Thái Lan rất lớn.

Sự cạnh tranh quyết liệt xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện khiến thị trường lúa gạo và xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan nhất trí đề nghị Chính phủ cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giữ giá lúa trên thị trường nội địa, giúp người nông dân an tâm sản xuất.

Theo VFA, trước mắt sẽ mua tạm trữ 500 ngàn tấn gạo, sau đó xem xét diễn biến thị trường rồi quyết định tiếp.

“Trước mắt nên tạm trữ 500 ngàn tấn gạo hè thu và sẽ tính tiếp. Không nên tạm trữ với số lượng quá lớn, nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu. Như vậy sẽ giúp tình hình tiêu thụ lúa gạo tốt hơn, phấn đấu để xuất khẩu được gạo nhiều nhất. Đó cũng là mục tiêu xuất khẩu gạo đã được Chính phủ xác định trong năm 2012”, ông Phong chia sẻ.