10:44 25/12/2008

Chỉ số giá tháng 12 vẫn giảm, Chính phủ đạt mục tiêu kìm lạm phát

Anh Quân

Chính phủ đã đạt một mục tiêu ưu tiên trong năm nay, khi khống chế mức tăng giá tiêu dùng cả năm không vượt quá 24%

Diễn biến chỉ số giá năm nay phá vỡ tính chu kỳ của các năm trước đó.
Diễn biến chỉ số giá năm nay phá vỡ tính chu kỳ của các năm trước đó.
Chính phủ đã đạt một mục tiêu ưu tiên trong năm nay, khi khống chế mức tăng giá tiêu dùng cả năm không vượt quá 24%.

Không nằm ngoài dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2008 tiếp tục xu hướng giảm của hai tháng trước đó, khi tốc độ tăng đạt mức âm 0,68% so với tháng trước.

Nếu so với những dự báo hồi đầu năm, cho rằng CPI có thể tăng 30% vào cuối năm nay, thì tháng 12 đã khép lại năm 2008 với diễn biến khá ấn tượng, mức tăng giá tiêu dùng cả năm chỉ là 19,89%, nếu so với tháng 12/2007.

Tuy nhiên, giá tiêu dùng bình quân của năm 2008 so với năm 2007 đã tăng 22,97%. Đây là tốc độ tăng rất cao trong thập kỷ này, và là năm đầu tiên chỉ số này tăng hai con số.

Mức tăng giá bình quân các năm gần đây như sau: năm 2007 là 8,3%; năm 2006 là 7,5%; năm 2005 là 8,3%; năm 2004 là 7,7%; năm 2003 tăng 3,2%; năm 2002 tăng 3,9% và năm 2001 giảm 0,3%.

Theo như quy định con số sử dụng làm chỉ tiêu kế hoạch và mục tiêu điều hành của Chính phủ trong năm 2008, tại báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khoá XII, lạm phát năm 2008 xác định bằng chỉ tiêu CPI bình quân năm 2008 so với năm 2007, tức là bằng 22,97%.
Chỉ số giá tháng 12 vẫn giảm, Chính phủ đạt mục tiêu kìm lạm phát - Ảnh 1
Nhìn trên các chỉ số cụ thể từng tháng, CPI năm 2008 có 3 điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, đây là năm có mức độ tăng giá trong một tháng rất cao, và có tới hai lần đạt kỷ lục tăng trong một tháng, tại tháng hai tăng tới 3,56% và tháng 5 “vọt” lên mức 3,91%.

Thứ hai, ngoài mức tăng đột biến, khoảng cách giữa tháng tăng cao nhất và tháng giảm thấp nhất cũng rất lớn, lên đến gần 5% (so sánh mức tăng 3,91% với mức giảm - 0,76%).

Thứ ba, diễn biến chỉ số giá năm nay phá vỡ tính chu kỳ của các năm trước đó. Trong khi những năm trước, biểu đồ chỉ số giá diễn biến theo hình parabol ngược, tức là tăng cao ở những tháng đầu năm và cuối năm dương lịch, tăng thấp hoặc giảm vào những tháng đầu quý 2 và khá ổn định những tháng giữa năm, thì năm nay có sự đột biến mạnh trong hai quý đầu năm, sau đó giảm tốc và tăng âm vào những tháng cuối năm.

Khái quát những tác động chính đến chỉ số giá của năm nay, có nguyên nhân từ tăng tổng phương tiện thanh toán, từ cầu kéo, chi phí đẩy và diễn biến tâm lý.

Những nguyên nhân này đã gây áp lực tăng giá lên nhiều nhóm hàng hóa quan trọng, tiêu biểu là gạo, thực phẩm, xăng dầu, gas, sắt thép, xi măng... trong phần lớn thời gian trong năm, sau đó giảm nhanh, kéo chỉ số giá đi xuống.

Tháng 12/2008, chỉ số giá của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 31,86%, trong đó lương thực tăng 43,25%, thực phẩm tăng 26,53%, ăn uống ngoài gia đình tăng 33,62%. Tăng trên 10% còn có các nhóm: Đồ uống và thuốc lá, May mặc, mũ nón, giầy dép, Thiết bị và đồ dùng gia đình, và Văn hoá, thể thao, giải trí. Duy nhất có Bưu chính viễn thông (thuộc nhóm Phương tiện đi lại, bưu điện) giảm 15,07%.

So với tháng 12/2007, chỉ số giá vàng tháng cuối năm nay đã tăng 6,83%, chỉ số giá USD tăng 6,31%.

Còn so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng âm của tháng 12/2008 là các Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm tới 2,36%; Nhóm phương tiện đi lại, bưu điện giảm 6,77%.