09:24 25/07/2007

Chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến

Hoàng Đạt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đột biến trong tháng 7, gấp đôi cả dự báo đưa ra hồi đầu tháng

Tăng giá mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng tới 1,59%; trong đó giá nhóm lương thực tăng 0,54%, riêng nhóm thực phẩm tăng tới 2,29% so với tháng 6/2007.
Tăng giá mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng tới 1,59%; trong đó giá nhóm lương thực tăng 0,54%, riêng nhóm thực phẩm tăng tới 2,29% so với tháng 6/2007.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đột biến trong tháng 7, gấp đôi cả dự báo đưa ra hồi đầu tháng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/7 cho biết CPI tháng 7/2007 đã tăng tới 0,94%, gấp đôi so với mức 0,4% theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra hồi đầu tháng.

Như vậy, CPI đã tăng 6,19% kể từ đầu năm, vượt cả mức dự báo 6% mà một số ban ngành đưa ra hồi đầu năm.

Tăng giá mạnh nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng tới 1,59%; trong đó giá nhóm lương thực tăng 0,54%, riêng nhóm thực phẩm tăng tới 2,29% so với tháng 6/2007. Nguyên nhân chính là dịch bệnh và nắng nóng diễn ra phức tạp tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đây vẫn là một lo ngại đối với diễn biến giá nhóm hàng này trong tháng tới.

Đứng thứ hai là nhóm hàng Nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,73%, do nhu cầu trên thị trường tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép, xi măng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt hàng sắt thép đã tăng mạnh trong thời gian qua, Cục đã có yêu cầu Tổng công ty Thép Việt Nam báo cáo các chi phí liên quan; ngoài ra có thể sẽ có đợt kiểm tra để xác định cụ thể hơn nguyên nhân đẩy giá thép tăng cao.

Đối với mặt hàng than, một đề xuất từ cơ quan quản lý giá và giám sát thị trường là dãn lộ trình tăng giá đối với 3 hộ tiêu dùng lớn là giấy, phân bón và xi măng. Nếu giá than tăng thời điểm này, chi phí đầu vào sản xuất của những ngành hàng trên sẽ đội cao, thêm áp lực đối với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Cục Quản lý giá, các mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế và có ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân như điện, nước, cước vận tải… cần giữ được ổn định.

Một nhóm hàng khác tăng giá khá mạnh trong tháng 7 là Dược phẩm – y tế, tăng 0,69%. Tháng 7 cũng là tháng ghi nhận sự quá tải của các bệnh viện, nhu cầu chăm sóc, tiêu dùng dược phẩm tăng mạnh do nắng nóng tại nhiều địa phương.

Các nhóm hàng Thiết bị và đồ dùng gia đình, Đồ dùng và dịch vụ khác, May mặc – mũ nón – giày dép… cũng tăng từ 0,46 – 0,49%.

CPI tăng mạnh đang gây áp lực lớn đến nhiệm vụ kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của một số chuyên gia, diễn biến giá cả trên thị trường thế giới cùng với những nguyên nhân như dịch bệnh, nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng… sẽ tiếp tục đẩy CPI tăng cao.

Với các ngân hàng thương mại, áp lực tăng lãi suất sẽ càng lớn khi lãi cho người gửi tiền không đủ để bù lại mức tăng của giá cả trên thị trường.