11:49 07/10/2011

Chỉ tiêu của Quốc hội có mang tính bắt buộc?

Anh Minh

Làm thế nào để có thể điều hành nền kinh tế theo đúng các chỉ tiêu đã định sẵn, trong bối cảnh thị trường thế giới luôn biến động?

Lửa cháy bên ngoài một kho xăng tại Brega, Libya. Nội chiến tại nước này đã tác động đáng kể đến diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong năm 2011 - Ảnh: Reuters.
Lửa cháy bên ngoài một kho xăng tại Brega, Libya. Nội chiến tại nước này đã tác động đáng kể đến diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong năm 2011 - Ảnh: Reuters.
Một chuyên gia kinh tế nổi tiếng từng ví von, làm thế nào để vào năm 2008, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tính toán được là vào năm 2011 thì chiến sự nổ ra ở Libya, và qua đó thì giá xăng dầu cũng như giá vàng sẽ tăng?

Bản báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội mới đây đã nêu lên một vấn đề đặc biệt quan trọng trong thực tiễn điều hành nền kinh tế Việt Nam.

Đó là, làm thế nào để có thể điều hành nền kinh tế theo đúng các chỉ tiêu đã định sẵn, trong bối cảnh thị trường thế giới luôn biến động?

Là một vấn đề không mới, thậm chí đã được đưa ra thảo luận nhiều lần tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về kinh tế, song một khi nó được đưa thành một nội dung mà Quốc hội quan tâm, có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực.

Cụ thể, theo ghi nhận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vấn đề được các đại biểu rất quan tâm và “chưa thống nhất cao” là đối với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 5 năm, các chỉ tiêu ghi trong nghị quyết của Quốc hội có mang tính bắt buộc, hay chỉ là mang tính định hướng?

Việt Nam hiện phát triển từ một nền kinh tế kế hoạch, trong đó mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được “định lượng hóa” ngay từ đầu. Giờ đây, nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển sang cơ chế thị trường nhưng vẫn “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Định hướng này đưa đến một hiện thực là trong điều hành kinh tế, Việt Nam vẫn nặng về các kế hoạch, trong đó các chỉ tiêu được định lượng hóa, cụ thể nhất là trong các kế hoạch 5 năm và các kế hoạch từng năm.

Việt Nam cũng đang duy trì một cơ quan quản lý nhà nước chuyên về làm kế hoạch là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó các chuyên gia của mảng kế hoạch vẫn đang miệt mài viết các kế hoạch hàng năm.

Các kế hoạch được cơ quan này soạn thảo sẽ được đưa ra thảo luận và góp ý tại Chính phủ, sau đó được trình lên Quốc hội. Một lần nữa, kế hoạch sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua dưới hình thức một nghị quyết.

Một tư duy phổ biến hiện nay là coi nghị quyết của Quốc hội giống như một sự “giao nhiệm vụ” cho Chính phủ, và Chính phủ có trách nhiệm phải thực hiện cho bằng được mục tiêu đó.

Nhưng, thực tiễn phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây lại đang cho thấy những bất cập từ điều này. Lý do đơn giản là vì những dữ liệu mà cơ quan lập kế hoạch dựa vào là dữ liệu “cứng”, được tổng hợp trước khi soạn thảo.

Trong khi, diễn biến của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn tiếp theo thường không thể dự báo chính xác được, nên các chỉ tiêu kinh tế đạt được thường khác xa so với kế hoạch ban đầu. Một trong những ví dụ điển hình là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục có “sai số” so với kế hoạch, hệ quả của việc giá cả trên thị trường thế giới thay đổi liên tục và với đặc điểm là một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, giá cả trong nước cũng thay đổi theo.

Hệ quả là một mặt, Chính phủ luôn phải chạy theo kế hoạch, và trong từng tình huống cụ thể, thường phải sử dụng đến các giải pháp ngắn hạn để đạt mục tiêu mà không quan tâm đến chất lượng. Ví dụ điển hình là trong thời gian từ năm 2008 đến nay, Chính phủ có xu hướng tăng tối đa đầu tư để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng.

Mặt khác, trước những tình huống mà việc tuân thủ kế hoạch là bất khả thi, Chính phủ thường phải kiến nghị Quốc hội cho “điều chỉnh mục tiêu” cho khớp với tình hình thực tế.

Ví dụ điển hình là gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải có đề xuất về việc “điều chỉnh sớm” các chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, theo đó chỉ tiêu tăng trưởng cho giai đoạn này cần được giảm xuống trung bình 0,5% mỗi năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng GDP của năm 2011 được dự báo là vào khoảng 6%, trong khi năm 2012 được dự báo đạt khoảng 6,5%. Nếu giữ nguyên mục tiêu như trong nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 11 để trình Quốc hội, “gánh nặng” hoàn thành mục tiêu sẽ dồn hết cho các năm còn lại và như vậy sẽ khó khả thi.

“Nếu thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục bỏ ra một lượng vốn lớn để kích thích tăng trưởng và bài học trong các năm qua cho thấy việc chuyển liên tục từ chính sách thắt chặt sang chính sách nới lỏng sẽ dẫn đến những tác động xấu, gây bất ổn tới kinh tế vĩ mô và thúc đẩy lạm phát tăng cao”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ về vấn đề này nhấn mạnh.

Từ thực tế này, vấn đề định lượng hay định hướng các chỉ tiêu và kế hoạch, nếu được Quốc hội đưa ra thảo luận, có thể đóng vai trò một điểm nhấn đáng kể trong hoạt động điều hành kinh tế tại Việt Nam.