14:21 04/11/2020

"Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề sách giáo khoa"

Lan Anh

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết qua các lần làm việc, có thể khẳng định "cuốn tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều có lỗi, sai sót, sạn"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: VGP.

Tại hai phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 3 và 4/11, vấn đề sách giáo khoa lớp 1 làm "nóng" nghị trường với nhiều ý kiến quan tâm. 

Trong phiên thảo luận chiều 3/11, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Ninh Bình) cho rằng, sách giáo lớp 1 có một số điểm thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam. Do đó, giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh. 

"Sách giáo khoa đã sai thì bắt buộc phải sửa. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng thực hiện. Cần khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các sách giáo khoa này", đại biểu Thảo đề nghị.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót và có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.

Phản biện lại ý kiến này, Đại biểu Bùi Văn Phương (Bình Định) cho rằng, sách Tiếng Việt có lỗi, có sạn nhưng không phải sai sót quá nghiêm trọng, chỉ là một số ngữ liệu ở dạng học âm, học vần chưa thật phù hợp. Những lỗi này có thể điều chỉnh và sửa được trong lần tái bản tiếp theo. Đại biểu cho biết Bộ Giáo dục Đào tạo đã có văn bản gửi các địa phương, khi giáo viên giảng bài, những bài có liên quan đến ngữ liệu này thì chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp.

"Ta nên nhớ rằng Quốc hội thông qua dự án Luật với quy trình hết sức chặt chẽ, chu đáo nhưng vẫn có những sơ suất. Ngành giáo dục mới năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, không tránh khỏi sơ suất. Nên chúng ta cần có những chia sẻ để tất cả cùng chung sức, đồng lòng, cùng ngành giáo dục", Đại biểu Phương nhấn mạnh.

Trả lời ý kiến của các đại biểu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, gần như kỳ họp Quốc hội nào cũng có một chủ đề về giáo dục được cử tri và các đại biểu quan tâm. Mặc dù không thuộc thẩm quyền trực tiếp, nhưng cũng giống như những vấn đề giáo dục khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa.

"Sơ bộ đúng như các đại biểu Quốc hội nói, sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn, vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không hề có kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Nhưng qua các lần làm việc, tôi có thể nói cuốn tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều có lỗi, sai sót, sạn. Lỗi này cần được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học", Phó thủ tướng nói. 

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng. Bộ trưởng đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.

"Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói về chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Phó Thủ tướng so sánh: "Trước kia chúng ta dùng 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa, không có sự phân biệt và coi như bắt buộc giống như quy định các cô giáo chỉ dùng một bộ áo dài đồng phục, một màu, một kiểu. Giờ đây, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy sáng tạo, không độc quyền, giống như quy định vẫn là áo dài nhưng màu sắc, chất liệu, kiểu dáng khác nhau".

Phó thủ tướng cũng khẳng định: "Nhiều bộ hơn nhưng phải đúng là áo dài. Chất liệu, đường kim mũi chỉ phải đẹp hơn, tốt hơn áo dài đồng phục trước đây".

Vì vậy, dù có một hay nhiều bộ sách giáo khoa thì chất lượng phải ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.