Chính phủ giải thích nguyên nhân nợ thuế gần 83 ngàn tỷ
Nợ thuế đến 30/9/2018 đã tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017
Tổng số tiền thuế nợ của Tổng cục Thuế tính đến thời điểm 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi là 34.942 tỷ đồng.
Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn về lĩnh vực tài chính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14.
Nợ ảo trên 12 ngàn tỷ
Một nội dung được báo cáo khá kỹ là tình hình nợ thuế, đến 30/9/2018 đã tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Báo cáo của Chính phủ nêu khá kỹ các nguyên nhân dẫn đến số thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nói trên.
Thứ nhất, một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh được pháp luật coi là đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không thanh toán được nợ thuế, không xác minh được tài sản của người nộp thuế còn tài sản hay không, không xác minh được quyền thừa kế tài sản, phân chia tài sản của người chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo đúng quy định của pháp luật dân sự.
Do đó cơ quan thuế không thực hiện được việc thu nợ cũng như xóa nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Tính đến 31/12/2017, có 1.818 người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng.
Thứ hai, một số người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh do nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Phá sản, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.
Tính đến 31/12/2017 có 15.072 người nộp thuế với số tiền thuế còn nợ là 2.178 tỷ đồng đã tự giải thể, phá sản không thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Có 620.069 người nộp thuế (153.438 doanh nghiệp, 466.631 hộ gia đình, cá nhân) với số tiền thuế còn nợ là 21.824 tỷ đồng (doanh nghiệp 19.644 tỷ; hộ gia đình, cá nhân 2.180 tỷ) bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế. Số nợ này hàng ngày bị tính thêm tiền chậm nộp 0,03%/ngày.
Cặn kẽ hơn, Chính phủ cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 106 của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, kể cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu, đã được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không còn pháp nhân, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quy định này dẫn đến tiền phạt và tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 tăng lên đến 12.273 tỷ đồng. Số nợ đó theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế.
Nguyên nhân tiếp theo được đề cập là Luật Quản lý thuế được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm, do vậy chưa bao quát hết được các trường hợp không tính tiền chậm nộp, xóa nợ trong thực tiễn đã xảy ra. Tuy nhiên, bốn trường hợp xóa nợ này đến nay không bao quát được hết tình hình thực tiễn diễn ra từ đối tượng, phạm vi xử lý, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân bất khả kháng cũng như chưa phản ánh hết công tác quản lý nợ thuế.
Cụ thể, tính đến 31/12/2017 có 7.500 tỷ đồng tiền thuế nợ tồn tại trên 10 năm hiện nay vẫn đang treo, không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện đã "áp dụng tất cả 7 biện pháp cưỡng chế". Vì, doanh nghiệp đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Trước khi Luật quản lý thuế có hiệu lực (1/7/2007), doanh nghiệp được phép tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, tổ chức lại mà không cần xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến không còn đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định.
Luật quản lý thuế chỉ quy định xóa cho hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhà nước đã giao, bán, giải thể, hoàn thành cổ phần hóa, có các khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007. Luật chưa có quy định xóa nợ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các loại hình doanh nghiệp, tổ chức khác gặp khó khăn, đã chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng nợ thuế trước 1/7/2007, cũng như nợ thuế của các doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình, cá nhân từ 1/7/2007 đến nay không có khả năng thu hồi.
Quy định xóa nợ đối với trường hợp chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế hiện hành cũng chỉ cho phép xóa nợ đối với cá nhân, không có quy định xóa nợ cho người nộp thuế là chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
Mặt khác, Luật Quản lý thuế chưa có quy định xóa nợ khoản tiền thuê đất việc xóa nợ đối với tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai. Tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thì không có quy định xóa nợ tiền thuê đất. Do đó, hiện nay tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp bị phá sản đã xóa các khoản nợ thuế theo Luật Quản lý thuế, nhưng khoản nợ tiền thuê đất không thuộc đối tượng xóa nợ vẫn đang còn tồn tại.
Đã thu được trên 25 ngàn tỷ
Về kết quả thu hồi, theo báo cáo, đến thời điểm 30/9/2018, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền thuế nợ. Trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.079 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 8.303 tỷ đồng.
Chính phủ cũng thông tin thêm là tổng số tiền nợ thuế của Tổng cục Hải quan tính đến thời điểm 31/8/2018 là: 5.165 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu là: 3.791 tỷ đồng, nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 105,66 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là1.268,6 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2017 thì số nợ 8 tháng đầu năm đã giảm 133,5 tỷ đồng (tương đương giảm 2,52%) so với thời điểm 31/12/2017.Tính đến nay, số nợ đã thu hồi và xử lý là 831,97 tỷ đồng.