04:05 10/12/2007

“Chính phủ không ngại bảo hộ, nhưng…”

Từ Nguyên

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xung quanh vấn đề có nên bảo hộ ngành cơ khí trong nước

"Quan điểm của Chính phủ là không ngại cơ chế bảo hộ, nhưng quan trọng là nó có khơi dậy được sức mạnh, sự sáng tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước hay không mà thôi."
"Quan điểm của Chính phủ là không ngại cơ chế bảo hộ, nhưng quan trọng là nó có khơi dậy được sức mạnh, sự sáng tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước hay không mà thôi."
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xung quanh vấn đề có nên bảo hộ ngành cơ khí trong nước.

Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng ngành cơ khí Việt Nam hiện nay?

Qua 5 năm thực hiện chiến lược phát triển của Chính phủ, có thể nói, đến nay cơ bản ngành cơ khí đã đạt được những bước chuyển biến đáng kể. Chúng ta đã vực dậy ngành cơ khí trong các lĩnh vực như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp sản xuất động cơ diezel, sản xuất lắp ráp xe khách, xe tải nhẹ, cơ khí giao thông, xây dựng…

Tuy nhiên, hiện nay ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều máy móc, thiết bị cho các ngành chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Đặc biệt, trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm do Thủ tướng ban hành năm 2002, đến nay mới chỉ có quy hoạch phát triển tàu thủy và ôtô là được thông qua, còn lại 6 nhóm ngành khác vẫn chưa được triển khai.

Ngành cơ khí được xem là một ngành then chốt trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nếu so với một số ngành khác như viễn thông, giao thông vận tải… thì cơ khí vẫn phải chịu xếp sau. Đâu là nguyên nhân, thưa Bộ trưởng ?

Đây là một vấn đề cần được "mổ xẻ" đến nơi đến chốn. Hiện nay chúng ta cũng đã có chiến lược phát triển, các bộ, ngành cũng đã có sự quan tâm, Chính phủ cũng đã chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, vì sao đến nay ngành cơ khí vẫn còn nhiều khó khăn, theo tôi là bởi những nguyên nhân sau. 

Thứ nhất là sự chỉ đạo vẫn thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành và đặc biệt là giữa các doanh nghiệp cơ khí.

Thứ hai, xuất phát điểm của chúng ta thấp, khả năng đầu tư từ ngân sách rất hạn chế. Đặc biệt, sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực này vẫn ở mức khiêm tốn.

Trong thời gian tới, cần giải quyết bài toán giữa yêu cầu sản xuất và vốn đầu tư. Tất cả những vấn đề này chúng tôi sẽ tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Vấn đề bảo hộ ngành cơ khí vẫn đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Ngành cơ khí vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu đặt ra thì lại rất lớn, nên ít nhiều vẫn phải có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, hỗ trợ hay bảo hộ lại là một vấn đề cần phải được làm rõ. Cái gì cần bảo hộ, cái gì không cần bảo hộ thì phải được xem xét, công khai rõ ràng.

Nếu làm không tốt vấn đề này thì chúng ta rất dễ quay lại cơ chế bao cấp của hàng chục năm trước. Quan điểm của Chính phủ là không ngại cơ chế bảo hộ, nhưng quan trọng là nó có khơi dậy được sức mạnh, sự sáng tạo của các doanh nghiệp cơ khí trong nước hay không mà thôi.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét, cân nhắc đối với những yêu cầu bảo hộ của nhiều doanh nghiệp cơ khí. Đối với những nhóm ngành nào thấy chưa thể tự phát triển được và thực sự cần thiết thì nhà nước sẽ bảo hộ.

Tuy nhiên, chúng ta đã hội nhập với kinh tế thế giới, nên dù bảo hộ hay không bảo hộ thì điều quan trọng nhất là vẫn phải dựa trên nguyên tắc thị trường.

Hiện nay có một nghịch lý là chúng ta đang nỗ lực phát triển ngành cơ khí nội địa nhưng trên thực tế thì kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị lại liên tục tăng trong thời gian qua. Bộ trưởng lý giải điều này như thế nào ?

Đây là một vấn đề lớn không chỉ của ngành cơ khí mà là của cả nền kinh tế. Trên thực tế thì đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thể đáp ứng được rất nhiều loại máy móc, thiết bị, đặc biệt là các thiết bị tiên tiến, hiện đại cho những dự án lớn như điện, điện tử, cơ khí, giao thông…Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng ta vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.

Sau 5 năm thực hiện chiến lược phát triển cơ khí, đến nay chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Chẳng hạn, nếu nói công nghiệp ôtô của chúng ta thất bại là không đúng. Chúng ta chỉ chưa thành công ở nhóm xe hạng sang, còn về xe khách, xe tải nhẹ thì có thể nói chúng ta đã thành công. Hay đối với công nghiệp tàu thủy, cơ khí xây dựng, nhà máy xi măng… thì chúng ta đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành cơ khí là do ngành này đang “có mặt” ở khá nhiều các bộ, ngành. Vậy, theo Bộ trưởng, chúng ta nên tổ chức, sắp xếp lại như thế nào để đạt hiệu quả hơn?

Theo tôi, đây không phải là một vấn đề quá lớn của ngành cơ khí. Trong thời gian qua, chúng ta vẫn áp dụng mô hình quản lý nhà nước với rất nhiều bộ, ngành cùng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí… Nhưng điều này sẽ không làm triệt tiêu sự phát triển các sản phẩm cơ khí.