Chính phủ lý giải nguyên nhân phát sinh bức xúc về BOT giao thông
Nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu giá dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn
Theo chương trình phiên họp thứ 13, cả ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đây là vấn đề luôn gắn với hai từ "bức xúc" mỗi khi xuất hiện trên mặt báo. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những gì diễn ra trên thực tế không đến mức "bức xúc" như báo chí đã phản ánh.
Vì thế, một bức tranh chân thực, những đánh giá thực sự khách quan là kỳ vọng ở kết quả giám sát từ các vị đại diện cho dân.
Tại báo cáo mới nhất về nội dung giám sát, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa - người thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo - gửi đoàn giám sát đã lý giải nguyên nhân cơ bản làm phát sinh bức xúc của dân liên quan đến các dự án BOT giao thông.
Chính phủ đánh giá, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đất nước thường xuyên đối diện với nhu cầu cấp bách về phát triển hạ tầng, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư của tư nhân theo hình thức BOT phù hợp với quy định pháp luật.
Qua thực tế triển khai thực hiện các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho thấy, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được hiện thực hóa một cách tương đối hiệu quả, sáng tạo.
Ngoài kết quả mang tính đột phá kể trên, cần thẳng thắn nhận diện những hạn chế, bất cập để có thể tiếp tục khai thác được nguồn lực to lớn ngoài ngân sách cho phát triển đất nước - Bộ trưởng Nghĩa trình bày.
Và hạn chế đầu tiên được Bộ trưởng đề cập là: việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu giá (trước đây là trạm thu phí - PV) dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn, có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân.
Hạn chế tiếp theo là một số công trình sau khi đưa vào khai thác có một số khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.
Một số dự án do tính chất cấp bách, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện trình tự thủ tục đầu tư chưa thực sự chặt chẽ - Bộ trưởng nhìn nhận.
Vẫn ở phần hạn chế, bất cập, Bộ trưởng cho rằng quy định về đặt trạm thu phí (nay là trạm thu giá) tại thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính còn có khoảng trống. Có một số trạm thu giá, mặc dù đã được các cơ quan nhà nước và địa phương thực hiện đúng quy định khi lập trạm nhưng khi đưa vào hoạt động vẫn còn có những phản ứng trái chiều của người dân về khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt chưa hợp lý.
Ngoài ra là chưa có giải pháp quản lý nguồn thu của các trạm thu giá một cách hiệu quả, minh bạch dẫn đến còn có hiện tượng thất thoát doanh thu. Chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài.
Bên cạnh đó, khung pháp lý điều chỉnh hình thức đầu tư này được cho là chưa hoàn thiện, một số chế độ, chính sách còn có cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành (phụ cấp không ổn định sản xuất, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật…).
Phần nguyên nhân của các hạn chế, bất cập có 8 nguyên nhân khách quan và 5 nguyên nhân chủ quan.
Một số các nguyên nhân khách quan được nêu như: do nhu cầu về đầu tư hạ tầng lớn và cấp bách trong khi khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hạn chế, đồng thời quy định của pháp luật hiện hành cho phép áp dụng hình thức hợp đồng BOT cho cả dự án cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông hiện có, nhưng chưa lường hết tác động đến các đối tượng ảnh hưởng.
Chính sách phí đối với thu phí lượt không thể mang lại công bằng một cách tuyệt đối.
Việc đưa các trạm thu giá vào hoạt động dẫn đến các phương tiện cơ giới đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, từ đó người sử dụng đường thường có tâm lý phản đối việc thu phí cũng nằm trong phần nguyên nhân khách quan.
Với nguyên nhân chủ quan, Chính phủ cho rằng, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa đánh giá hết tác động đến đối tượng ảnh hưởng, cụ thể việc nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT chưa tính đến người dân không có sự lựa chọn.
Nguyên nhân khác là quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu giá chưa tiến hành tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đối tượng sử dụng đường (mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định phải thực hiện). Quy định cho phép có thể đặt trạm ở cự ly nhỏ hơn 70 km nhưng việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng và địa phương chưa đầy đủ.
Báo cáo mới cũng dẫn lại nhận định của báo cáo trước, đó là: một số cơ quan thông tấn báo chí phản ánh chưa toàn diện dẫn đến còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây những phản ứng trái chiều, tiêu cực của người dân.