10:56 06/09/2011

Chính phủ và chuyện phản biện

Nghệ Nhân

Từ chuyện Chính phủ tham vấn chuyên gia, nhớ về Ban nghiên cứu của Thủ tướng năm nào

Một phiên họp trực tuyến của Chính phủ. Việc Chính phủ tham vấn các chuyên gia trong nước có thể sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Một phiên họp trực tuyến của Chính phủ. Việc Chính phủ tham vấn các chuyên gia trong nước có thể sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Hai tuần sau khi ngồi lại với hơn 30 chuyên gia kinh tế trong nước, hôm nay, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ lại tiếp tục lắng nghe các ý kiến tư vấn từ các chuyên gia nước ngoài.

Tại cuộc gặp trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của đất nước; đồng thời cho rằng những đề xuất, giải pháp của các chuyên gia kinh tế là hết sức thiết thực trong nhận định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước để Chính phủ xây dựng những chính sách điều hành phù hợp.

Điều thú vị là, trong cuộc gặp gỡ này, người ta bắt gặp bóng dáng của những chuyên gia đã từng nhiều năm làm công tác tư vấn cho Chính phủ, như trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá.

Năm năm trước, cũng vào thời điểm bắt đầu một nhiệm kỳ mới của Chính phủ, Ban nghiên cứu của Thủ tướng, một cơ quan tập hợp hàng loạt chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đã được giải thể như là một phần trong nỗ lực sắp xếp lại hệ thống các cơ quan giúp việc của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó không lâu, cơ quan này vẫn là một cơ quan tham mưu, tư vấn gần như không thể thiếu của Chính phủ...

Tiền thân của Ban nghiên cứu của Thủ tướng là Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ được thành lập từ năm 1993, với 58 thành viên ban đầu, trong đó gồm các chuyên gia của cả miền Bắc, miền Nam và trí thức hải ngoại.

Một số thành viên trong đó thậm chí đã từng tham gia vào việc hoạch định các chính sách kinh tế xã hội cho Tổng bí thư Trường Chinh từ những năm đầu thập kỷ 80.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cho thành lập Tổ chuyên gia và sau đó là Ban nghiên cứu, từng nhiều lần tỏ rõ quan điểm với các thành viên là ông muốn lắng nghe những tiếng nói khách quan thực sự. Các thành viên hoạt động với tinh thần “năm không”: không chức, không quyền, không biên chế và lương, không bị hạn chế về tư duy, và không bị cản trở khi muốn tiếp cận Thủ tướng.

Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính thức ra đời trên cơ sở tổ công tác này vào năm 1998 với 18 thành viên và một hệ thống các cộng tác viên ở khắp nơi và hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Điểm mới là những người trẻ hơn được “tiến cử” vào Ban để chuẩn bị lực lượng cho tương lai, một số người từ cấp vụ của các bộ hoặc từ địa phương được đưa vào. Riêng với các cộng tác viên, tuỳ từng công việc cụ thể, Thủ tướng sẽ trực tiếp gửi thư mời tham gia.

Ban nghiên cứu đã làm việc khá thầm lặng kể từ ngày đó và trên thực tế, ngoài những người thạo tin như các quan chức chính phủ, các nhà khoa học và báo giới, phần lớn không biết hết được những gì Ban đã đóng góp.

Hằng năm, Ban có báo cáo đánh giá lại các thành tựu đổi mới, giống như báo cáo tiến bộ của các tổ chức nước ngoài vẫn thường làm. Nhưng việc làm báo cáo không phải là chuyện chính, cái chính là giúp Thủ tướng xây dựng và thẩm định các văn bản quan trọng, cao hơn nữa là kiến nghị tư tưởng chỉ đạo cho các luật, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau đó là Thủ tướng Phan Văn Khải thậm chí nhiều lần “đặt hàng” các bài phát biểu quan trọng trên diễn đàn Quốc hội, các cuộc họp của Đảng, thậm chí là cả các bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp trong các cuộc họp thường niên hay trong các chuyến công du quốc tế quan trọng.

Năm năm trước, một thành viên của Ban nghiên cứu đã nói rằng các thành viên của Ban vẫn còn rất yêu thích công việc nghiên cứu và sẽ tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến. “Dù ở đâu và vào lúc nào, chúng ta cũng sẽ rất cần những ý kiến tư vấn độc lập. Và như vậy, sẽ cần có các cơ chế để có được các ý kiến như vậy”, ông phát biểu.

Trở lại với câu chuyện tham vấn chuyên gia của Chính phủ, việc sử dụng các chuyên gia để phản biện các chính sách là chuyện “xưa như trái đất” ở nhiều quốc gia.

Về bản chất, Ban nghiên cứu của Thủ tướng trước đây đã là một "think tank" tập hợp được nhiều chuyên gia “chất lượng”, và ở các quốc gia phát triển thì việc có một hay nhiều "think tank" thường xuyên có các ý kiến đóng góp, phản biện cho Chính phủ là một trong những các cách thức hữu hiệu để điều hành quốc gia, đặc biệt là trong việc hạn chế tác động của các nhóm lợi ích lên chính sách.

Việc Chính phủ tham vấn các chuyên gia trong nước có thể sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, khi nền kinh tế tiếp tục ghi nhận nhiều yếu tố không thuận lợi, khi giai đoạn 2006-2010 đã chứng kiến nhiều vất vả của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế.

Riêng với các chuyên gia nước ngoài, việc được mời tới để tham vấn cho Chính phủ là một vinh dự và họ sẽ cảm thấy sự cầu thị từ Chính phủ, cho dù nhiều người trong số họ vẫn đang miệt mài tư vấn hàng năm qua các kênh khác, chẳng hạn qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên.

Có tới bốn bản khuyến nghị chính sách cho Việt Nam đã được các chuyên gia thuộc Đại học Havard gửi tới Chính phủ trong giai đoạn 2008-2009. Một số tổ chức, cơ quan khác cũng liên tục đưa ra các báo cáo nghiên cứu độc lập về kinh tế nói chung, hoặc một vấn đề kinh tế cụ thể nào đó.

Cho đến nay, chưa thấy báo cáo nào tổng kết rằng những ý kiến này đã được tiếp nhận như thế nào, dù thực tiễn đã cho thấy nhiều đề xuất trong đó là xác đáng.