08:42 03/03/2011

Chính phủ: Vẫn giữ nguyên chỉ tiêu lạm phát 2011

Bảo Anh

Dù Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng sẽ không có chuyện trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát tại kỳ họp tới

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo chiều 2/3.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo chiều 2/3.
Dù Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, nhưng sẽ không có chuyện trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát tại kỳ họp tới.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp báo Chỉnh phủ thường kỳ tháng 2, tổ chức chiều 2/3.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên họp của Chính phủ trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận, mặc dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2010, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được giải quyết, song bước vào năm 2011, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lạm phát cao do giá cả thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm.

Bộ trưởng nói, chính vì vậy, ngay cuối tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với trọng tâm là nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá. Đặc biệt, chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011.

Thủ tướng cho phép số tiết kiệm thêm 10% này các bộ, cơ quan, địa phương tự quản lý; từ quý 3/2011 sẽ xem xét, bố trí cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán hoặc chuyển về ngân Trung ương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc, liệu Chính phủ cho phép các đơn vị giữ lại 10% chi thường xuyên, không được sử dụng liệu có hợp lý không, có gây lãng phí không trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp đang thiếu vốn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, cắt giảm chi tiêu thường xuyên là một trong chính sách tài khóa của chúng ta hằng năm.

Tiết kiệm là một quốc sách của bất kỳ một quốc gia nào chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, dù là cho phép giữ lại nhưng khoản tiền tiết kiệm đó đang nằm trong tài khoản quốc gia, chứ không phải là đã chuyển cho các đơn vị rồi nên hoàn toàn không thể coi là lãng phí được.

“Dư luận và báo chí hiện nay đều đánh giá là lãng phí của chúng ta vẫn còn lớn, nên khoản tiền đó sẽ được dành cho những việc cần thiết cho những mục tiêu khác như phát hành trái phiếu, giải quyết an sinh xã hội... Đây có thể hiểu là thu tiền vào, nhưng không chi tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng liên quan đến điều hành của Chính phủ trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thông điệp nhất quán trong điều hành năm nay của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ cũng không trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm 2011 như đã đưa ra từ đầu năm (không quá 7%).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phúc, do nền kinh tế chúng ta có độ mở cao, nên việc điều hành của Chính phủ vẫn phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.  

Cũng tại buổi họp báo, những vấn đề liên quan đến tác động của việc điều chỉnh tỷ giá, ảnh hưởng của lạm phát đến doanh nghiệp, đời sống nhân dân đã được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời báo giới.

Trả lời câu hỏi tại sao Thống đốc lại “vui mừng” vì đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, Nhà nước không tốn một đồng ngoại tệ nào trong kho dự trữ, trong khi ngay sau đó tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, cho biết thực ra, trong đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, chúng ta không có phương án can thiệp. Tinh thần khi xây dựng đề án tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

“Lúc đó tính toán của chúng tôi cũng biết rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động ít nhiều đến thị trường, trong đó có giá điện, xăng dầu... Cũng đã có người hỏi tôi tại sao không dùng phương án đó, nhưng chúng tôi cho rằng, sau khi cân nhắc thấy nếu thực hiện theo phương án đó sẽ gây bất lợi, bởi chúng ta cũng đã công khai cho các nước biết quỹ dự trữ ngoại tệ của chúng ta là khá mỏng”, Thống đốc nói.

Hơn nữa, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, việc can thiệp khi thị trường biến động là phương án dễ nhất, bởi nếu nói là can thiệp mà không làm thì thị trường cũng không biết. Nên cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất là thông tin ra thị trường không can thiệp.

“Chúng tôi cũng phối hợp với các bộ là khả năng quan hệ về mặt cung cầu ngoại hối sẽ có nhiều tiến bộ. Hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tăng 40%, có tháng xuất khẩu được 7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay”.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, do cung USD của chúng ta ngày càng dồi dào hơn, nên giá trên thị trường đang xuống rất nhanh. Hiện người dân và doanh nghiệp cũng bắt đầu bán ngoại tệ rất nhiều vì giá giảm, họ lo sợ rủi ro. Ông dự đoán, trong vài ngày tới nguồn cung sẽ được hỗ trợ lớn khi nguồn xuất khẩu được thu về.

Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân do trượt giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho hay trong tất cả các luật, quy định của ngành tài chính nói chung đều có sự chỉnh sửa phụ thuộc vào mức cung tiền. Nếu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay tăng cao thì thuế thu nhập cá nhân cũng có thể được xem xét.

Bên cạnh đó, trong ngày 2/3, Chính phủ cũng đã bổ sung chương trình sửa đổi luật và pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.