11:03 28/02/2011

“Lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 9%”

Diệu Hương

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá mức độ tác động của các yếu tố tiền tệ và giá cả đến lạm phát

Ông Lê Xuân Nghĩa.
Ông Lê Xuân Nghĩa.
“Lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 9%”, Phó chủ tịch Ủy bán giám sát Tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa đưa ra dự báo này tại một hội thảo về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, tổ chức tại Hà Nội ngày 25/2.

Theo những tính toán của ông Nghĩa, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD vừa qua có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay tăng lên khoảng 1,1%; điều chỉnh giá xăng dầu (xăng A92 tăng 2.900 đồng/lít) có thể làm cho CPI tăng khoảng 0,54%; tăng giá điện đẩy CPI tăng thêm 0,71%. Công lại, là 2,5% cho cả năm.

Ông cũng lưu ý đến yếu tố lương thực thực phẩm, nhóm có quyền số cao trong rổ hàng hóa tính CPI. Theo ông, giá lương thực thực phẩm đã tăng 6 tháng liên tục ở mức rất cao, đặc biệt là tăng có tính mùa vụ cộng hưởng với ảnh hưởng của thiên tại. Tuy nhiên, hiện nay giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm đang có chiều hướng giảm.

“Chúng tôi dự báo rằng, tới tháng 3 thì giá lương thực thực phẩm sẽ giảm”, ông Nghĩa nói.

Theo tính toán của ông Nghĩa, trong năm 2011 giá lương thực thực phẩm có khả năng giảm hoặc tăng với biên độ hẹp, có thể giúp cho CPI giảm từ 2,5-3%. “Như vậy, nó bù được vào tăng giá của giá điện và xăng dầu”, ông dự báo.

Liên quan đến các chính sách vĩ mô, ông Nghĩa cho rằng lạm phát năm nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào cung tiền.

Tại Nghị quyết 11 vừa ban hành, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất lớn với nhiều chỉ tiêu chính của chính sách tiền tệ, tài khóa đã được điều chỉnh. Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng từ mức khoảng 30% của năm ngoái đã được điều chỉnh xuống 20% trong năm nay; tổng phương tiện thanh toán về mức 15-16%; bội chi ngân sách hạ dưới 5%.

“Như vậy là giảm tổng cầu rất mạnh mẽ, cũng làm cho lạm phát giảm khá mạnh”, ông Nghĩa nhìn nhận. Cộng cả 3 yếu tố là tăng giá đầu vào, giảm giá lương thực thực phẩm, giảm cung tiền, ông Nghĩa dự báo: “Lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 9%”.

“Dự kiến quý 1/2011, CPI có thể ở mức 4,4-4,5%, thông thường quý này thường chiếm một nửa cả năm, thì lạm phát năm nay sẽ dưới 10% chứ không trên được”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý rằng lạm phát chịu tác động của yếu tố tâm lý, nếu điều hành theo hình thức thặt chặt rồi lại nới lỏng thì tình hình có thể sẽ khác. “Đè bẹp tâm lý thì chính sách phải kiên trì. Cho nên năm nay Chính phủ cũng phải kiên trì chính sách thắt chặt”, ông khuyến nghị.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tình hình lạm phát từ quý 3/2011 trở đi giảm đáng kể thì mới có cơ hội giảm lãi suất. Nhưng ông cũng cho rằng, một thuận lợi khác cho việc giảm lãi suất là năm nay Chính phủ chủ trương giảm mạnh đầu tư công.

Năm ngoái, lượng trái phiếu Chính phủ lên tới 100 nghìn tỷ nhưng năm nay có thể giảm còn một nửa. Như vậy, vốn điều tiết từ khu vực công được điều tiết rất là mạnh.

Trong khi đó, cũng trong năm ngoái cung tiền rất mạnh và dồn vào khu vực công nhiều, ngoài ra cũng có vấn đề đảo nợ từ gói kích thích kinh tế khá lớn… nhưng năm nay các khoản này cũng giảm nên có cơ hội để giảm lãi suất cuối năm, ông phân tích.

Liên quan đến thị trường ngoại hối, ông Nghĩa cho biết tổng thu về ngoại tệ trừ đi tổng chi ngoại tệ thì năm nào Việt Nam cũng tăng dương, tức là ngoại tệ vào nhiều hơn ngoại tệ đi ra. Giải thích về tình hình khan hiếm ngoại tệ vừa qua, ông Nghĩa cho rằng nguyên nhân là do nhập khẩu vàng lớn, găm giữ ngoại tệ “khủng khiếp”...

“Chúng ta không thiếu ngoại tệ nhưng dân chúng không đủ lòng tin để bán ngoại tệ ra ngoài thị trường, cộng với tình trạng Đô la hoá ngày càng nặng nề và lòng tin của người dân càng ngày càng giảm sút gây ra tình trạng như hiện nay. Hiện chúng tôi đang đề ra một đề án trình Chính phủ chống tình trạng Đô la hoá”, ông nói.