09:11 18/04/2008

Chính sách ngoại giao thực dụng của Tổng thống Hàn Quốc

Trung Việt

Ông Lee Myung Bak vừa lên đường thăm Mỹ, đánh dấu chuyến thăm cấp cao đầu tiên trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc

Ông Lee Myung Bak được giới quan sát đánh giá là vị tổng thống có chính sách ngoại giao thực dụng.
Ông Lee Myung Bak được giới quan sát đánh giá là vị tổng thống có chính sách ngoại giao thực dụng.

Ông Lee Myung Bak vừa lên đường thăm Mỹ, đánh dấu chuyến thăm cấp cao đầu tiên trên cương vị Tổng thống Hàn Quốc. Giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và các vấn đề quân sự song phương; phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ... là trọng tâm của chuyến thăm này.

Tờ Người đưa tin Hàn Quốc cho rằng mục đích chuyến thăm Mỹ của ông Lee Myung Bak là nhằm tăng cường quan hệ đồng minh vốn có những rạn nứt trong thời gian qua. Đồng thời, hai bên sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng, thúc đẩy hợp tác, đầu tư...

Bước đi đầu trong chính sách ngoại giao thực dụng

Ngay sau khi đến Mỹ, Tổng thống Lee Myung Bak đã gặp các cộng đồng Hàn kiều, thăm sàn giao dịch chứng khoán New York và tham dự Diễn đàn đầu tư Hàn-Mỹ... Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ G.Bush tại trại David ngày 19/4, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, phê chuẩn FTA Hàn-Mỹ; việc Hàn Quốc hỗ trợ phi quân sự cho Afghanistan và tăng đóng góp tài chính cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc...

Theo hãng KBS, một quan chức Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết, chuyến thăm này sẽ là bước đi đầu tiên của Tổng thống Lee Myung Bak trong chính sách ngoại giao thực dụng, nhằm củng cố quan hệ với các nước đồng minh truyền thống và tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó, chú trọng thúc đẩy FTA với Mỹ.

Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn Quốc đã được ký kết vào tháng 6/07, nhưng cần Quốc hội của từng nước phê chuẩn để có hiệu lực. Số phận của hiệp định này tại Mỹ chưa được định rõ, khi các thành viên cao cấp của Thượng viện vẫn chưa hài lòng về mức độ tự do trong ngành ôtô.

Trong khi Tổng thống Hàn Quốc lên đường thăm Mỹ, hôm 16/4, tại Seoul, hai đoàn đàm phán FTA của Mỹ và Hàn Quốc vẫn bất đồng về việc sửa đổi điều kiện nhập khẩu thịt bò vào Hàn Quốc. Phía Mỹ tiếp tục yêu cầu Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với tất cả các loại thịt bò, trong khi phía Hàn Quốc chỉ chấp nhận nhập khẩu thịt bò dưới 30 tháng tuổi.

Phía Hàn Quốc yêu cầu Mỹ cấm sử dụng thức ăn gia súc có nguồn gốc động vật, nhưng Mỹ từ chối. Hai bên cũng thảo luận hình thức hạn chế hoạt động của các Cty xuất khẩu Mỹ khi vi phạm quy định nhập khẩu của Hàn Quốc...

Khơi thông những bế tắc

Hiệp định nói trên là FTA lớn nhất mà Mỹ ký sau Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ, ký cách đây hơn 10 năm. Hàn Quốc đánh giá FTA với Mỹ là hiệp định song phương quan trọng nhất kể từ hiệp định phòng thủ chung năm 1954.

Mặc dù hai Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng bản hiệp định sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế mỗi nước. Tổng thương mại của cả hai nước hàng năm đã đạt 80 tỉ USD và con số này có thể tăng thêm 20 tỉ USD, nếu FTA song phương được thông qua. Tuy nhiên, nông dân Hàn Quốc và một số nhóm lao động ở Mỹ4 vẫn chống lại hiệp định này.

Trong bản hiệp định này, gạo - một sản phẩm chính của nông nghiệp Hàn Quốc chưa chịu sự điều chỉnh. Do vậy, trước mắt Hàn Quốc chưa sợ gạo chất lượng cao giá rẻ của Mỹ cạnh tranh tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, nông dân Hàn Quốc sợ rằng khi bản hiệp định có hiệu lực, hàng nông sản giá rẻ của Mỹ sẽ tràn vào cạnh tranh với nông sản Hàn Quốc, đe dọa mức sống của nông dân. Dư luận Hàn Quốc và Mỹ đang mong đợi FTA Hàn -Mỹ sẽ được khơi thông trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống tuần này.

Về hợp tác quân sự song phương, để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai Tổng thống, ngày 16/4, Hàn Quốc và Mỹ đã đàm phán về việc hoãn cắt giảm theo kế hoạch số quân Mỹ ở Hàn Quốc.

Theo hãng KBS, hai bên đã nhất trí giữ nguyên số binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc ở mức 28.500 người trong năm nay. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết, kế hoạch này sẽ được xác nhận tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống hai nước, cuối tuần này. Việc giảm số lượng binh sĩ sẽ gây ra hao tổn tài chính do phải bố trí lại lực lượng và có thể gây suy giảm tiềm lực phòng vệ của quân đội Hàn Quốc trước những đe dọa quân sự của CHDCND Triều Tiên.

Theo thoả thuận năm 2004, Mỹ sẽ cắt giảm 37.500 quân ở Hàn Quốc xuống còn 25.000 quân vào cuối năm nay. Hiện Mỹ có 28.500 quân đóng ở Hàn Quốc. Hàn Quốc đang phải chi trả 43% chi phí cho việc triển khai quân Mỹ ở Hàn Quốc, tương đương 732 triệu USD/năm, trong khi Mỹ muốn mỗi bên chịu 50% chi phí. Hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về vấn đề này vào cuối năm nay để quyết định mức chi phí mỗi bên phải gánh chịu trong 2 năm tới.