08:32 01/05/2025

Chứng khoán Mỹ trồi sụt mạnh sau báo cáo GDP, giá dầu giảm sâu

Bình Minh

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,15%, đạt 5.569,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 17.446,34 điểm. Dow Jones tăng 141,74 điểm, tương đương tăng 0,35%, còn 40.669,36 điểm.Ở thời điểm đáy của phiên, S&P 500 giảm gần 2,3% và Dow Jones mất hơn 780 điểm...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/4/2025), dù thị trường giằng co mạnh trước và sau khi báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2025 được công bố. Giá dầu thô cũng sụt giảm vì nỗi lo suy thoái kinh tế và hoàn tất tháng giảm mạnh nhất trong vòng gần 5 năm trở lại đây.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,15%, đạt 5.569,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 17.446,34 điểm. Dow Jones tăng 141,74 điểm, tương đương tăng 0,35%, còn 40.669,36 điểm.

Ở thời điểm đáy của phiên, S&P 500 giảm gần 2,3% và Dow Jones mất hơn 780 điểm.

Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP quý 1/2025 của nước này giảm 0,3%, sau khi tăng 2,4% trong quý 4/2024. Một số nhà giao dịch nhấn mạnh rằng GDP giảm một phần do nhập khẩu tăng vọt 41% vì các công ty đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hóa trước khi các chương trình thuế quan của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.

Cũng theo báo cáo trên, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong quý 1/2025 giảm tốc mạnh, ghi nhận mức tăng quý 1 chậm nhất kể từ năm 2023, và chi tiêu của Chính phủ Mỹ giảm do nỗ lực cắt giảm chi phí do Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - cơ quan do tỷ phú Elon Musk đứng đầu - triển khai.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đổ lỗi cho ảnh hưởng còn sót lại từ thời Tổng thông Joe Biden là nguyên nhân khiến GDP yếu trong quý 1 và kêu gọi người dân “hãy kiên nhẫn”. Ông cũng cho biết các chính sách của ông “sẽ cần một thời gian” để phát huy hiệu quả.

“Sự đảo lộn chính sách đã dẫn tới mức độ bất định rất cao đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Dữ liệu này có thể khiến chính quyền lo ngại, nhưng có lẽ mức độ sẵn sàng của họ trong việc chấp nhận thiệt hại kinh tế để theo đuổi những mục tiêu dài hạn đã bị đánh giá thấp”, trưởng chiến lược Scott Helfstein của công ty Global X ETFs nhận định với hãng tin CNBC.

Về cuối phiên, nhà đầu tư quay trở lại mua cổ phiếu, nhờ đó đưa các chỉ số hồi phục từ mức đáy của phiên. Kết thúc phiên này, thị trường đã khép lại một tháng 4 đầy biến động do ảnh hưởng từ kế hoạch thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố ngày 2/4/2025.

Có thời điểm trong tháng 4, S&P 500 giảm hơn 11% so với mức chốt của tháng trước và giảm gần 20% so với mức kỷ lục ghi nhận vào tháng 2. Tuy nhiên, mức điểm đóng cửa tháng 4 của chỉ số này chỉ giảm 0,8% so với mức chốt của tháng 3, trong khi Dow Jones ghi nhận mức giảm tháng 3,2%. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp của cả hai chỉ số. Trái lại, Nasdaq tăng 0,9% trong tháng 4.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 1,76%, còn 63,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,21 USD/thùng, tương đương giảm 3,66%, còn 58,22 USD/thùng.

Ngoài báo cáo GDP ảm đạm của Mỹ, giá dầu còn đương đầu áp lực giảm từ việc Saudi Arabia phát tín hiệu muốn khai thác dầu nhiều hơn để mở rộng thị phần trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tính cả tháng 4, giá dầu Brent và dầu WTI giảm tương ứng 15% và 18%, đánh dấu tháng thảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2021.

Theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group, việc Saudi Arabia phát tín hiệu không muốn tiếp tục hạn chế sản lượng dầu và sẵn sàng chấp nhận việc giá dầu thấp kéo dài “làm dấy lên lo ngại rằng sắp diễn ra một cuộc chiến sản lượng dầu.

“Liệu Saudi Arabia có đang tìm cách gửi đi một thông điệp rằng họ sẽ lấy lại thị phần? Chúng ta sẽ phải chờ xem”, ông Flynn nói với hãng tin Reuters.

Tuần trước, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng một số thành viên OPEC+ sẽ đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc tăng sản lượng trong tháng 6. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Khối này sẽ họp vào ngày 5/5 để thảo luận kế hoạch sản lượng.

“Có khả năng rất cao là OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng nhằm củng cố sự đoàn kết nội bộ. Chưa kể, nếu các nỗ lực ngoại giao về vấn đề Ukraine và Iran thành công, sản lượng dầu sẽ tiếp tục tăng thêm nữa. Trong khi đó, chiến tranh thương mại sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu”, một báo cáo của công ty PVM Oil nhận xét.