Chính sách ông Trump đang tác động đến USD như thế nào?
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ mong muốn đồng USD yếu hơn, nhưng chính sách của ông có tác dụng ngược lại
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ mong muốn đồng USD yếu hơn để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ, nhưng các chính sách thương mại gần đây của ông, bao gồm việc áp thuế lên một số hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, đã có tác dụng ngược lại khi đẩy tỷ giá USD tăng mạnh.
Tuần này, tỷ giá đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ đã tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng. Vốn đã tăng giá từ trước, đồng USD nhận được cú huých mới khi các thị trường mới nổi chứng kiến sự bán tháo do lo ngại về ảnh hưởng lây lan từ cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với việc tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, các nhà đầu tư mua mạnh đồng USD để tìm kiếm sự an toàn.
Hôm 10/8, ông Trump đẩy căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ lên một mức cao mới - xung quanh việc Ankara bắt giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson với các cáo buộc khủng bố - bằng cách tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này của ông Trump khiến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với USD, kéo theo sự trượt dốc của đồng tiền nhiều quốc gia mới nổi khác.
Đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác suốt mấy tháng qua, với chỉ số Dollar Index tăng gần 8% trong vòng 4 tháng - hãng tin Reuters cho hay. Vào hôm thứ Tư, chỉ số này đạt đỉnh 13 tháng khi lên gần 96,8 điểm.
"Trên nhiều phương diện, hành động của ông Trump củng cố thêm môi trường lo ngại rủi ro, và điều này rốt cục khiến đồng USD tăng giá trong ngắn hạn", ông Charles Tomes, nhà phân tích đầu tư cấp cao thuộc Manulife Asset Management ở Boston, nhận xét trong cuộc trao đổi với Reuters.
Chuỗi dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ từ đầu năm đến nay, cho dù châu Âu và các nền kinh tế lớn khác của thế giới có dấu hiệu đuối sức, đã tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến tới tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm. Kỳ vọng nâng lãi suất này được dự báo sẽ tiếp tục củng cố sức hấp dẫn của đồng USD.
"Tôi cho rằng đồng USD đang mạnh lên do sự trái chiều chính sách tiền tệ", ông Oliver Pursche, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc Bruderman Brothers ở New York, nói với Reuters. "Gần như chắc chắn là FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 và tháng 12, cho dù các ngân hàng trung ương khác giữ nguyên lãi suất".
Một số nhà phân tích nói rằng chương trình cắt giảm thuế được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm ngoái, nhân tố giúp thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, đã củng cố nền tảng cho việc nâng lãi suất. Gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, cộng thêm đạo luật chi tiêu 1,3 nghìn tỷ USD thông qua hồi tháng 3, được dự báo sẽ đẩy thâm hụt tài khóa của My tăng cao hơn. Trong quý 2, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất gần 4 năm.
"Vì thế mà chúng ta có các dữ liệu kinh tế đảm bảo cho chu kỳ tăng lãi suất của FED, trong khi các ngân hàng khác chậm hơn một chút trong việc tăng lãi suất", ông Tomes nói.
Việc chính quyền ông Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, châu Âu, Mexico và Canada cũng được cho là khiến áp lực lạm phát ở Mỹ gia tăng, có thể khiến FED đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất, và kết quả sẽ là một đồng USD mạnh hơn nữa.
Giới đầu tư còn mua vào đồng bạc xanh dựa trên kỳ vọng cho rằng đồng tiền này sẽ tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia mới nổi có sự phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản.
"Khi đồng USD tăng giá trong quý 2, các thị trường mới nổi thực sự yếu", ông Said Haidar, Giám đốc đầu tư của quỹ Haidar Capital Management ở New York, nhận định. "Giờ đây, tài sản tại các thị trường mới nổi đang bị bán tháo mạnh do ông Trump sẵn sàng tung các biện pháp trừng phạt trong lúc các quốc gia đã có sẵn vấn đề, chẳng hạn như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ".
Vào hôm thứ Tư tuần này, chỉ số MSCI về tỷ giá đồng tiền các quốc gia mới nổi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017, với hầu hết đồng tiền của các quốc gia này bị bán tháo trong bối cảnh khủng hoàng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.