13:58 18/05/2012

Chính sách tài khóa và thách thức “bong bóng tài sản”

Nguyên Hà

Chính sách tài khóa phù hợp phải cải thiện được phúc lợi cho dân và không dẫn tới gia tăng bất bình đẳng trong xã hội

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Bà Pratibha Mehta tại Hội thảo quốc tế "Các giải pháp đổi mới chính sách tài khóa với việc tái cơ cấu nền kinh tế" do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức sáng 18/5 nói rằng, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực công cho phép tạo ra không gian tài khóa để giảm nhẹ tác động của khủng hoảng và tiến hành tái cơ cấu kinh tế.

Chính sách tài khóa với sự minh bạch và linh hoạt cũng là những vấn đề được đề cập rộng, phân tích sâu ở cuộc hội thảo mà theo nhận xét của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên là "đã đặt ra vấn đề rất nóng bỏng" trong hình hình hiện nay.

Với sự có mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nổi tiếng cả trong và ngoài nước, trong thời gian 1 ngày, hội thảo tập trung thảo luận 6 chuyên đề.

Gồm, chính sách tài khóa tích cực và cơ cấu nền kinh tế bền vững; tái cơ cấu kinh tế: từ nguyên lý đến hành động – một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; giải pháp đổi mới chính sách thuế phục vụ tái cơ cấu kinh tế; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước và đầu tư công hướng tới tái cấu trúc nền kinh tế; các giải pháp về chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa hướng tới tái cơ cấu lại nền kinh tế; giới thiệu về kinh nghiệm điển hình của một số quốc gia tiêu biểu về các giải pháp đổi mới chính sách tài khóa với việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế khi tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng vốn đầu tư và khai thác tài nguyên. Và theo dự báo của một số tổ chức và các chuyên gia cả trong và ngoài nước thì kinh tế Việt Nam năm 2012 khó đạt mức tăng trưởng như 2011.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, vấn đề đặt ra là gói giải pháp này có phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hay không và tác động như thế nào đến chính sách tài khóa?

Cùng với câu trả lời cho câu hỏi này, bà Ngân cũng mong nhận được những ý kiến đóng góp cho quá trình tái cơ cấu kinh tế đang được khởi động mạnh mẽ tại Việt Nam.

Nhấn mạnh ba ý tại phát biểu ngắn sau đó, bà Pratibha Mehta cho rằng cần thiết kế chính sách, trong đó có chính sách tài khóa phù hợp để cải thiện phúc lợi cho dân và không dẫn tới gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.

Chỉ ra thách thức của chính sách tài khóa cho tái cơ cấu nền kinh tế khi thâm hụt ngân sách luôn tăng và dự trữ ngoại hối thấp, vị đại diện UNDP này cũng cho rằng cần cân nhắc nguồn lực công vì sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực công cho phép tạo ra không gian tài khóa để giảm nhẹ tác động của khủng hoảng.

Nhưng, giảm chi tiêu công phải không gây ra giảm chi xã hội nhất là y tế và giáo dục, bà Pratibha Mehta đặc biệt lưu ý.

Đề cập vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc tạo ra không gian về chính sách tài khóa, theo bà Pratibha Mehta việc minh bạch tài khóa sẽ rất tốt để Quốc hội bảo đảm vai trò giám sát của mình.

Đối phó với "bong bóng tài sản"

Là diễn giả chính của chuyên đề thứ nhất, GS.TS. Robert Brown, Khoa Kinh tế - Tài chính, Đại học W. Fielding Rubel, Hoa Kỳ đã nói về những trải nghiệm tiếp diễn trong sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế qua so sánh các cuộc khủng hoảng tài chính lớn dẫn đến khủng hoảng kinh tế trên thế giới trong vòng 400 năm qua.

Khi trên màn hình tại cuộc hội thảo hiện lên đoạn trích "sự ngạo mạn của giới công quyền cần được kiềm chế và kiểm soát, và sự hỗ trợ cho các bàn tay ngoại quốc cần được giảm bớt, nếu không e rằng chúng ta sẽ thất bại", ông nói rằng thật kinh ngạc khi biết rằng nó được viết ra bởi Marcus Tullius Cicerio vào năm 55 trước công nguyên.

Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, có thể bắt nguồn từ các lý do cụ thể khác nhau song về bản chất các cuộc khủng hoảng đều liên quan đến vấn đề chính: Lòng tham không được kiểm soát của con người. Tâm lý đám đông và sự can thiệp chính sách không phù hợp của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các cuộc khủng hoảng được tích tụ và bùng phát, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính - Bộ Tài chính) bình luận.

Cũng theo ông Cường, nghiên cứu của TS. Robert Brown cho thấy, tất cả các cuộc khủng hoảng đều liên quan đến bong bóng tài sản (được cho 8 điểm) được tạo ra bởi lòng tham và cảm xúc của con người (7,5 điểm) dẫn đến đầu cơ (7,5 điểm). Tâm lý đám đông và lòng tham là vấn đề muôn thuở song các Chính phủ ít khi nhận ra vấn đề cho đến khi khủng hoảng nổ ra.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ và các công cụ của Chính phủ để đối phó, ông Robert Brown cho rằng cần quyết tâm hành động cho dù đối phó với bong bóng giá tài sản không hề dễ dàng.

Đối với một nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng, hay đúng hơn, nguy cơ nổ "bong bóng tài sản' với những dấu hiệu đặc trưng trên thị trường bất động sản và trên thị trường tín dụng như ở Việt Nam hiện nay, việc cung cấp tri thức về khủng hoảng tài chính qua nghiên cứu của TS. Robert Brown càng có giá trị to lớn do tính cấp bách của vấn đề và mức độ thiết thực của các nhận xét, kết luận và gợi ý, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận xét.