Chính sách ưu đãi đầu tư đã "lạc hậu"?
Ưu đãi thu hút đầu tư từ Việt Nam dường như vẫn phục vụ cho mục tiêu chính sách từ 20-30 năm trước
Ưu đãi thu hút đầu tư từ Việt Nam dường như vẫn phục vụ cho mục tiêu chính sách từ 20-30 năm trước.
Đó là nhận xét của TS Đinh Trọng Thắng tại hội thảo đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 30/11.
"Kẽ hở ưu đãi"
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh những từ khoá quen thuộc về đầu tư công là dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Những từ khoá này cứ lặp đi lặp lại sau mỗi nhiệm kỳ.
Còn với đầu tư nước ngoài (FDI), ông Cung cho rằng còn nhiều câu hỏi cần trả lời, nhất là đánh giá hiệu quả, dù đây là việc không hề đơn giản.
Nhận định chung về chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban chính sách đầu tư của CIEM nhấn mạnh hiện rất khó để có được bức tranh đầy đủ về mảng này do dữ liệu không đầy đủ mà nguyên nhân là chưa có sự quản lý thống nhất, dù ưu đãi được thực hiện trên diện rộng.
Chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay có xu hướng hỗ trợ các dự án đầu tư có thời hạn ngắn và tìm kiếm chi phí thấp, không có đánh giá về lợi ích, chi phí của chính sách..., ông Thắng nhận xét.
Riêng về chính sách thuế, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) trong tham luận gửi đến hội thảo đã nêu cụ thể các ưu đãi qua thuế suất.
Như, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với các khoản thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao...
Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng với một số hoạt động nông nghiệp, diêm nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phần thu nhập hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường.
Ưu đãi nữa cũng được ông Cường kể đến là thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Về thời gian miễn giảm thuế,tham luận của ông Cường cho biết Việt Nam đang áp dụng miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với trường hợp áp dụng thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại một số địa bàn theo quy định.
Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Ưu đãi tiếp theo là miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn hoặc lĩnh vực theo quy định. Kéo dài ưu đãi thuế với các doanh nghiệp có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới cần đặc biệt thu hút đầu tư.
Lấy trường hợp Samsung, ông Cường phân tích, Samsung Vietnam được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo nên trong thực tế doanh nghiệp này chỉ bắt đầu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2013.
Tổng số tiền nộp thuế của Samsung năm 2014 là 165 triệu USD, 2015 tăng lên 186 triệu USD, 2016 là 300 triệu USD và nửa đầu 2017 là 186 triệu USD..., ông Cường điểm qua vài con số.
Theo vị chuyên gia này, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ưu đãi thuế tạo ra gánh nặng cho ngân sách.
Một số hình thức ưu đãi thuế đang trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trốn thuế, ông Cường nhìn nhận.
"Đến lúc thay đổi"
Nhận xét tiếp theo từ ông Cường là chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam tương đối phức tạp do phạm vi ưu đãi (ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn, quy mô vốn) được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng.
Cụ thể, có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế.
Bên cạnh đó có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau.
Gợi ý chính sách từ tham luận của ông Cường là Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Thủ tục hành chính cho việc xem xét quyết định ưu đãi thuế cần đơn giản và minh bạch hơn.
Ông Cường cũng gợi ý cần thực hiện phân tích chi phí lợi ích của ưu đãi thuế một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện.
Ngoài ra cần tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế, rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế được quy định trong các luật khác ngoài luật thuế để đảm bảo tính nhất quán trong ưu đãi. Đồng thời tránh hiện tượng xé rào của các địa phương.
Các ý kiến khác từ hội thảo cũng cho thấy chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tại Việt Nam đã đến lúc cần phải thay đổi.
Một số tỉnh đã không còn hào hứng với đầu tư nước ngoài vì chi phí xã hội rất lớn mà lợi ích không cao, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.