09:11 03/01/2023

Cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển TP.HCM

Ban Mai

Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị…

Cầu Thủ Thiêm 2 TP.HCM.
Cầu Thủ Thiêm 2 TP.HCM.

Nội dung quan trọng tại Nghị quyết 31 vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành (ngày 30/12/2022) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

THÍ ĐIỂM NHIỀU CƠ CHẾ MỚI ĐỘT PHÁ

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Thành ủy TP.HCM chỉ đạo chính quyền thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017, trình Quốc hội sớm nhất.

Bên cạnh ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM, Đảng đoàn Quốc hội còn được Bộ Chính trị giao xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận số 14 (ngày 22/9/2021) của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đảng đoàn Quốc hội cũng phải xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM trình Quốc hội; ban hành Nghị định của Chính phủ cụ thể hoá tổ chức thực hiện Nghị quyết; đồng thời phối hợp với TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội; Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Ban cán sự đảng Chính phủ được giao phân cấp, phân quyền cho TP.HCM trên một số lĩnh vực theo Chương trình hành động của Chính phủ; đề xuất nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định liên quan.

Cụ thể, TP.HCM sẽ được phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thành phố được chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.

Ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.

Áp dụng thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và khoa học - công nghệ.

Cho thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục…

DUY TRÌ VỊ TRÍ “ĐẦU TÀU” ĐỂ LAN TOẢ

Trước đó, TP.HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội bắt đầu từ tháng 01/2018. Thời gian thí điểm 5 năm.

Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện thí điểm rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 đã không phát huy được tính toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này. Do đó, Chính phủ kiến nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022.

Để TP.HCM tiếp tục  là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Theo đó, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành "thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao".

 Đây cũng là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa..., có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân của thành phố cần đạt 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất phải quy hoạch, chuyển đổi theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đạt trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên…

Về quy hoạch, phải đồng bộ từ phát triển các không gian ngầm, xanh, sông nước, văn hoá, đặc biệt là khu vực trung tâm, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP).

Việc đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP.HCM.

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.

Bộ Chính trị đã đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khoá XI, TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng 2,7 lần so với năm 2010, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TP.HCM vẫn chưa được khai thác hiệu quả, vai trò đầu tàu đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm.

Bộ Chính trị cho rằng những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới nhằm khắc phục vướng mắc, phát huy lợi thế, xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu TP.HCM sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại; cho phép HĐND thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ cho UBND TP. Thủ Đức trong phạm vi địa bàn thành phố Thủ Đức.