09:13 17/03/2009

Cho vay tiêu dùng: Cầu thực, vốn “ảo”?

Minh Đức

Mất gần tháng trời xoay thủ tục, các điều kiện đã đáp ứng đủ, nhưng câu trả lời từ ngân hàng vẫn là… “sếp em chưa duyệt”

Trở lại thời điểm đầu tháng 2/2009, khi nhiều ngân hàng đồng loạt công bố mở cửa cho vay tiêu dùng, có cho vay tín chấp, có hạn mức từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, có trường hợp cho vay tới 1 tỷ đồng, VnEconomy đã nhận được hàng nghìn yêu cầu gửi về tìm hiểu thông tin, đề nghị giải đáp các vướng mắc… Và trong đó, tất nhiên, có nhiều kỳ vọng.
Trở lại thời điểm đầu tháng 2/2009, khi nhiều ngân hàng đồng loạt công bố mở cửa cho vay tiêu dùng, có cho vay tín chấp, có hạn mức từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, có trường hợp cho vay tới 1 tỷ đồng, VnEconomy đã nhận được hàng nghìn yêu cầu gửi về tìm hiểu thông tin, đề nghị giải đáp các vướng mắc… Và trong đó, tất nhiên, có nhiều kỳ vọng.
Mất gần tháng trời xoay thủ tục, các điều kiện đã đáp ứng đủ, nhưng câu trả lời từ ngân hàng vẫn là… “sếp em chưa duyệt”.

Đây là một trường hợp trong những phản ánh gần đây của bạn đọc gửi về VnEconomy. “Ngâm” hồ sơ là bình thường nếu cá nhân này không đáp ứng được các điều kiện, nhưng đây lại là một khách hàng khá lý tưởng (xét theo các yêu cầu phía ngân hàng đưa ra).

Có hộ khẩu tại Hà Nội, là phó phòng tại một cơ quan nhà nước, có thu nhập chính được xác minh hơn 10 triệu đồng/tháng, chỉ vay 40 triệu đồng tín chấp tại một ngân hàng mới mở điểm giao dịch tại Hòa Mã (Hà Nội), nhưng đã gần một tháng nay, anh Linh vẫn chưa thể mượn vay được vốn. Hồ sơ đã hoàn thành, đáp ứng đủ các điều kiện ngân hàng đưa ra, nhưng mấy lần đến tìm hiểu, câu trả lời nhận được từ nhân viên tín dụng vẫn là “sếp em chưa duyệt”.

Đáng chú ý là ngân hàng trên là một trong những thành viên công bố sớm kế hoạch cho vay tiêu dùng, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư số 01 mở lại cơ chế lãi suất thỏa thuận cho những đối tượng này. Đây cũng là ngân hàng tung ra một hạn mức lớn (theo quảng cáo) và cơ chế cho phép vay hạn mức tối đa 18 tháng thu nhập của người vay.

Ở một phản ánh khác, người vay cho biết ngân hàng mình cậy nhờ còn đặt ra quy định “oái ăm”, buộc phải có người bảo lãnh trả thay trong trường hợp người vay không trả được nợ. Người đứng ra bảo lãnh này cũng phải xoay cho đủ các các thủ tục chứng minh mà ngân hàng yêu cầu…

Tương tự, một trường hợp cần vay vốn gấp để hoàn thiện nhà, tranh thủ mức lãi suất tương đối dễ chịu chỉ 12% như ngân hàng đó công bố, nhưng mất cả tháng trời chạy tới chạy lui để xác minh các thủ tục nhân viên tín dụng yêu cầu và chờ đơi, nhưng sắp đến ngày chuyển về nhà mới, hồ sơ vay vốn vẫn chưa được thông qua. Và theo phản ánh của trường hợp này, chỉ gặp và trình bày được với nhân viên tín dụng cũng đã là một kỳ công.

“Khi đọc tin ngân hàng này cho vay hạn mức cao, lãi suất thấp, có cam kết giải quyết nhanh chóng… Tôi đinh ninh sẽ thực hiện được dự định của mình. Nhưng dù đã đủ hồ sơ, đáp ứng được các điều kiện nhưng vốn thì vẫn “ảo”, không như quảng cáo, làm mất nhiều thời gian và công sức của khách hàng”, anh Linh nói.

Trở lại thời điểm đầu tháng 2/2009, khi nhiều ngân hàng đồng loạt công bố mở cửa cho vay tiêu dùng, có cho vay tín chấp, có hạn mức từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, có trường hợp cho vay tới 1 tỷ đồng, VnEconomy đã nhận được hàng nghìn yêu cầu gửi về tìm hiểu thông tin, đề nghị giải đáp các vướng mắc… Và trong đó, tất nhiên, có nhiều kỳ vọng.

Nhưng những ngày gần đây, có một điểm chung đang được tập trung phản ánh: vay vốn tiêu dùng không dễ, thậm chí một số bạn đọc hoài nghi về chương trình hỗ trợ vốn này với mục đích chính là quảng bá và thu hút sự chú ý của thị trường đối với ngân hàng.

Và có một thực tế, nhiều trường hợp phải mất cả tuần, cả tháng trời mới có thể chạm tay vào túi ngân hàng, dù có những giới thiệu hay cam kết từ bên cho vay là sẽ giải quyết chỉ trong vài ngày, thậm chí tính theo giờ…

Trao đổi với một số nhân viên tín dụng, lý do vẫn là truyền thống: ngân hàng phải đảm bảo yêu cầu hàng đầu là an toàn, các điều kiện đặt ra và quá trình thẩm định là cần thiết bởi tín dụng tiêu dùng có nhiều rủi ro. Mặt khác, kế hoạch giải ngân và tổng lượng tín dụng còn phải cân nhắc phù hợp theo từng thời điểm.

Ngoài ra, xét trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, với những tác động tiêu cực đến thu nhập của người dân, nhiều ngân hàng đã siết lại các quy định, thủ tục xét duyệt cho vay theo hướng chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn.

“Việc ngân hàng cam kết xử lý nhanh, cung hạn mức cao nên được hiểu là đối với các trường hợp thuận lợi, là với những khách hàng lý tưởng”, một nhân viên tín dụng nói.

Trong khi đó, về phía lợi ích người tiêu dùng, trước mắt là những mức lãi suất tương đối thuận lợi vừa qua (từ 12% - 13%/năm) sẽ khó tiếp cận hơn, khi lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng khá nhanh từ cuối tháng 2 trở lại đây. Việc tiếp cận vốn khó khăn, kéo dài (với những trường hợp đáp ứng được các điều kiện vay vốn) cũng ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu dùng của họ, có những trường hợp có thể là cả cơ hội để cải thiện đời sống...