16:35 19/03/2010

“Chơi trội” kiểu nông dân Ấn

Kiều Oanh

Phút chốc giàu lên nhờ tiền bồi thường đất đai, nhiều gia đình nông dân Ấn Độ chuộng mốt thuê trực thăng trong đám cưới

Chú rể Kapil Yadav đi rước dâu bằng trực thăng.
Chú rể Kapil Yadav đi rước dâu bằng trực thăng.
Trong ngày cưới của cậu con trai, ông nông dân Bhisham Singh Yadav ở vùng Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ, cảm thấy khá căng thẳng.

Trên đường đón dâu, chiếc Lexus mà ông thuê bị kẹt sau một chiếc xe bò kéo. Chiếc xe tải mà ông thuê để chở dàn nhạc thì quá lớn nên phải di chuyển chậm chạp trên con đường làng chật hẹp. Duy chỉ có chiếc máy bay trực thăng chở chú rể là đến nơi đầu tiên.

Xuất hiện trong câu chuyện đăng trên tờ New York Times, là một nông dân trồng lúa mỳ, ông Yadav chưa bao giờ đi máy bay, và cả nhà ông cũng thế. Quãng đường từ nhà ông tới nhà vị hôn thê của con trai ông cũng chỉ dài có hơn 3 km, nhưng ông vẫn thuê một chiếc trực thăng cho cậu con đi rước cô dâu về.

Giống như nhiều gia đình nông dân khác ở đây, nhà Yadav mới phất lên nhờ tiền đền bù đất, và giờ đây họ muốn thể hiện mình.

“Người ta sẽ nhớ mãi chuyện con ông ấy đi máy bay trong đám cưới. Đối với chúng tôi, đây quả là những thứ trong mơ”, Vikas Yadav, một người bà con của Bhisham Singh Yadav, nói với phóng viên New York Times.

Với cách xài sang như trên, gia đình Yadav là điển hình của những người nông dân mới giàu ở Ấn Độ. Các vụ giải tỏa mặt bằng cho các dự án mở rộng thành phố và phát triển công nghiệp hiện là một trong những vấn đề nóng ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này, vì đây là lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tiền bồi thường đất đã khiến nhiều gia đình giàu lên trong phút chốc, nhất ở khu vực ngoại ô New Delhi.

Nếu tính theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây thì nông dân tại đây không thực sự giàu. Nhưng ở Ấn Độ, quốc gia với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD/năm và có tới gần 800 triệu người sống bằng chưa đầy 2 USD/ngày, thì nhiều nông dân đúng là đã “trúng quả” lớn bằng tiền bồi thường đất đai. Trong mấy năm gần đây, đã có khoảng 20.000 ha đất ở Noida, nơi nhà Yadav sinh sống, được thu hồi cho các dự án xây dựng như trung tâm mua sắm, công viên...

Bỗng dưng giàu lên, nhiều nông dân Ấn bắt đầu nghĩ cách tiêu tiền. Một số người mua thêm đất đai, có người gửi ngân hàng, có người đầu tư cho con đi học hoặc cải tạo nhà cửa. Thậm chí, một số nông dân ở Punjab còn nói với cánh nhà báo là họ muốn dùng tiền bồi thường đất để chuyển tới sống ở Canada! Tuy nhiên, cách tiêu tiền phổ biến nhất là mua xe, đi du lịch, và tận hưởng những thứ xa xỉ khác.

“Họ sắm xe Land Rover. Họ mua thêm TV, họ uống rượu nhiều hơn. Chung quy là họ cố tiêu cho hết tiền”, Giáo sư N. Sridharan thuộc Đại học Quy hoạch và Kiến trúc New Delhi cho biết.

Tờ New York Times nhận xét, cách tiêu xài như vậy của những người nông dân đột ngột giàu lên nhờ tiền bồi thường đất đai ở Ấn Độ phần nào thể hiện sự thiếu vắng kinh nghiệm của họ về quản lý tài chính. Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, các thể hiện mình này, nhất là trong các đám cưới, xuất phát từ khát vọng phản ánh sự thay đổi địa vị xã hội của những người nông dân, thông qua việc học tập lối sống của tầng lớp trên.

Cũng giống như ở nhiều nơi trên thế giới, ở Ấn Độ, đám cưới vừa là một nghi lễ tôn giáo, vừa là chỗ để thể hiện sự giàu sang. Đối với tầng lớp quý tộc ở Ấn Độ, mốt bây giờ là tổ chức cưới ở Bali, hay các cung điện ở Rajasthan. Còn đối với gia đình mới giàu, việc thuê một chiếc trực thăng đi đón dâu được xem là một lựa chọn hợp lý.

Gia đình Yadav ở đầu câu chuyện này được bồi thường đất đai cả thảy 109.000 USD. Họ gửi ngân hàng một phần, dùng một phần để sửa sang nhà cửa, mua một chiếc xe Hyundai nhỏ, và mua thêm đất để canh tác. Theo tính toán của ông Yadav, chi phí cho đám cưới của con trai ông sẽ lên tới 13.000 USD, bao gồm 8.327 USD tiền thuê trực thăng. Tuy nhiên, theo phong tục, nhà gái sẽ phải đóng góp phần chi phí lớn hơn cho đám cưới.

“Khi tôi cưới vợ, tôi đi xe hơi. Nhưng, thời nay khác rồi”, ông Yadav nói.