10:20 18/12/2007

Chống biến đổi khí hậu, nước nghèo bó tay

Trung Việt

Đến phút cuối của Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, các nước vẫn không nhất trí được chỉ tiêu cắt giảm khí thải

Một vấn đề gây lo ngại là việc các nước nghèo không có kinh phí để lo chống biến đổi khí hậu.
Một vấn đề gây lo ngại là việc các nước nghèo không có kinh phí để lo chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu ở Bali (Indonesia) diễn ra suốt 2 tuần qua, song đến phút cuối các nước vẫn không nhất trí được chỉ tiêu cắt giảm khí thải. Một vấn đề gây lo ngại là việc các nước nghèo không có kinh phí để lo chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Bali, đã thảo luận giải pháp thúc đẩy các cuộc đàm phán trong hai năm tới để đưa ra một công ước quốc tế ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên, thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Nước nghèo thiếu tiền phòng, chống thảm hoạ

Sự khác biệt giữa các nước giàu và các nước nghèo trong việc đối phó với tình trạng xâm thực, lũ lụt, hạn hán do nhiệt độ tăng là một trong những chủ đề chính của Hội nghị Bali. Các nước giàu là những nước thải phần lớn chất gây ô nhiễm vào khí quyển, nhưng vẫn đang tranh cãi về mục tiêu cắt giảm khí thải và các giải pháp công nghệ cao.

Trong khi các nước nghèo chỉ tham gia một phần nhỏ vào tình trạng trái đất ấm lên, lại gánh chịu hậu quả trái đất ấm lên và chiếm tỷ lệ lớn về số nạn nhân. Các nước nghèo đang cần nhiều tỷ USD để cứu lấy những vùng đất đang chìm dần trong nước biển cũng như giúp nông dân thích nghi và tái định cư...

Một bước tiến đáng chú ý vừa được ghi nhận tại Hội nghị Bali lần này là các nước đồng thuận trong việc quản lý Quỹ thích nghi, sử dụng tiền do các nước giàu đóng góp giúp các nước nghèo giảm bớt tác hại của thiên tai do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại một sự khác biệt rất lớn giữa các nước giàu và các nước nghèo trong đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Theo Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), từ năm 2002-2004, có tới 98% trong số 262 triệu nạn nhân của thảm họa thiên tai sống ở các nước nghèo, trong khi số tiền để ngăn ngừa thiên tai của riêng nước Anh đã cao gấp 6 lần số tiền được sử dụng cho mục đích này của tất cả các nước nghèo cộng lại.

Canada tuyên bố sẽ chi 85,4 triệu USD cho các giải pháp để thích nghi với biến đổi khí hậu. Singapore dành 139 triệu USD để xây dựng nhà máy khử mặn nước biển...Trong khi đó, Banglades không đủ kinh phí để xây dựng một hàng rào ven biển ngăn ngừa tác hại tiềm tàng của tình trạng trái đất ấm lên.

Nguồn ngân quỹ của Liên hiệp quốc dành để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu chỉ có 300 triệu USD mỗi năm. Nếu các nước đạt được một thỏa thuận mới sau Nghị định thư Kyoto, mỗi năm sẽ có thêm 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền này vẫn quá nhỏ so với 86 tỷ USD mà UNDP ước tính cần phải chi mỗi năm, từ nay đến 2015.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto

Điểm sáng của Hội nghị Bali lần này là việc ngày 12/12, Australia cam kết đến năm 2050, nước này sẽ cắt giảm 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2000.

Tuy nhiên, Mỹ, Trung Quốc và một số nước công nghiệp lớn khác lại không chấp thuận các mục tiêu cắt giảm khí thải. Mỹ là nước đứng đầu danh sách các quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất với tỉ lệ trên 21%, tiếp theo là Trung Quốc với gần 19%. Nhưng, cả hai nước này đều đứng ngoài Nghị định thư Kyoto và đều đổ lỗi cho nhau không nỗ lực giải quyết vấn đề này. Thái độ của hai nước này đã khiến nhiều nước khác chần chừ, làm cho chỉ tiêu giảm khí thải mà Nghị định thư Kyoto đề ra ở mức rất khiêm tốn 8%, cũng rất khó đạt được sự đồng thuận.

EU muốn văn bản cuối cùng của Hội nghị Bali đưa ra sự nhất trí về chỉ tiêu cụ thể cắt giảm khí thải, chủ yếu trong việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, đến năm 2020, các nền kinh tế phát triển sẽ cắt giảm từ 25% đến 40% khí thải so với mức của năm 1990.

Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Canada vẫn phản đối việc đưa các chỉ tiêu cụ thể vào văn bản này. EU đã đe dọa sẽ tẩy chay Hội nghị các nền kinh tế lớn về khí hậu do Mỹ bảo trợ, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 1 năm 2008, nếu Washington không thỏa hiệp và đồng ý với các chỉ tiêu cắt giảm khí thải.

Tất cả các bên tham gia hội nghị đều nhất trí rằng sẽ không đạt được một thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của Mỹ. Mỹ nói rằng mặc dù phản đối việc đưa ra các chỉ tiêu cắt giảm khí thải, nước này hy vọng cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận "vừa hiệu quả đối với môi trường vừa không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế". Mỹ đã đưa ra đề xuất mới, trong đó nhấn mạnh việc các nước tự nguyện đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải.