08:53 29/06/2007

Chống đói nghèo cho “lục địa đen”

Quốc Trung

Hơn 70 triệu người, chiếm 45% tổng dân số của vùng Sừng châu Phi, thuộc diện nghèo khổ và thiếu lương thực

6 năm qua, 4 đợt hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này, khiến tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra rất nghiêm trọng.
6 năm qua, 4 đợt hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này, khiến tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Đại diện 6 nước gồm Ethiopia, Sudan, Somalia, Djibouti, Kenya, Eritrea và Liên hiệp quốc đã thống nhất lộ trình chống đói nghèo ở vùng Sừng châu Phi.

170 dự án đã và đang được triển khai, mở rộng ở 6 quốc gia trong vùng nhằm thực hiện lộ trình này. Đây là kết quả sau nhiều tháng thương thuyết và hai ngày hội đàm vừa kết thúc ở thủ đô Nairobi, Kenya ngày 26/6.

Xác định sáu lĩnh vực ưu tiên

Vùng Sừng châu Phi rộng 2 triệu km2, là nơi sinh sống của khoảng 150 triệu người thuộc các quốc gia Ethiopia, Sudan, Somalia, Djibouti, Kenya và Eritrea. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hơn 70 triệu người, chiếm 45% tổng dân số của vùng Sừng châu Phi, thuộc diện nghèo khổ và thiếu lương thực. 6 năm qua, 4 đợt hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này, khiến tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Lộ trình đã xác định 6 lĩnh vực ưu tiên nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho vùng Sừng châu Phi, trong đó có việc hình thành các tập đoàn chăn nuôi và kết hợp chăn nuôi với nông nghiệp, xúc tiến các kế hoạch chống hiện tượng đất bạc màu và sa mạc hoá, đa dạng hoá các mô hình chăn nuôi và tăng nguồn thu nhập cho nông dân và nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng.

Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan mong muốn đưa vấn đề “cách mạng xanh” tại châu Phi lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hành động của Liên hiệp quốc và châu Phi phải được hưởng một sự giúp đỡ đặc biệt với các khoản đầu tư tài chính tự nguyện.

Để xoá bỏ đói nghèo khỏi vùng Sừng châu Phi phải có những biện pháp cụ thể để nâng mức thu nhập bình quân dưới 220 USD/người/năm lên mức mới. Theo đó, chính phủ các nước cần sớm ngăn chặn nạn phá rừng, xúc tiến trồng rừng mới, phục hồi các khu vực đầm lầy, chấm dứt việc lãng phí tài nguyên thiên nhiên và nâng cao sản lượng nông nghiệp của khu vực.

Ngoài ra, cần phải có những chính sách tín dụng tích cực, giúp người dân phục hồi các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và đầu tư hạ tầng cơ sở như đường sá, điện nước.

Theo đánh giá của Liên hiệp quốc thì châu Phi hiện là “vùng trũng” nhất của nạn đói nghèo khi mà 35 trên tổng số 48 nước nghèo nhất thế giới rơi vào lục địa này. Có đến hơn 40% dân số châu Phi có mức thu nhập dưới 1USD/ngày. Lục địa này còn đang phải đối phó với các cuộc xung đột, khủng hoảng triền miên và bùng nổ dân số. Hơn 200 triệu người châu Phi đang phải gánh chịu nạn đói.

Vùng Sừng châu Phi kêu cứu

Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cảnh báo hàng chục triệu người ở vùng Sừng châu Phi đang đứng bên bờ vực của nạn đói do hạn hán và xung đột kéo dài. Theo FAO, khoảng 11 triệu người ở Somalia, Kenya, Djibouti và Ethiopia cần được giúp đỡ về lương thực, nước uống và hạt giống. Trong lúc đó, những cuộc xung đột tôn giáo diễn ra thường xuyên ở Ethiopia và nội chiến do mâu thuẫn sắc tộc lại hoành hành ở Somalia, Sudan, Djibouti và Eritrea.

Bên cạnh đó, thiên tai, chủ yếu là hạn hán liên tiếp xảy ra, dẫn đến tình trạng thiếu đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật triền miên, đưa con số tử vong do thiên tai của khu vực vào hàng kỷ lục trên thế giới. Chỉ trong 10 năm, từ 1982 đến 1992, tại vùng Sừng châu Phi đã có khoảng 2 triệu người chết do chiến tranh và nạn đói. Cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra vào năm 2000 làm gần 16 triệu người bị nạn đói đe dọa mạng sống và đầu năm 2006, một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới lại diễn ra ở khu vực, đặc biệt tại bốn nước Somalia, Kenya, Djibouti và Ethiopia.

Liên hiệp quốc đề xuất một số giải pháp nhằm giúp châu Phi đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và cải thiện bộ máy quản lý. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) kêu gọi thiết lập một quỹ khẩn cấp trị giá 16 triệu USD để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em châu Phi. FAO kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế nhanh chóng giải ngân 1,6 tỷ USD/năm.

Các nước G8 cam kết tăng viện trợ cho châu Phi từ 25 tỷ USD/năm hiện nay lên 50 tỷ USD/năm vào năm 2010. Mỹ, Nhật Bản, Canada đề xuất nhiều khoản viện trợ, đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD cho châu Phi từ nay đến năm 2010. Nga khẳng định lại cam kết xoá nợ toàn bộ 11,3 tỷ USD cho châu Phi. Câu lạc bộ Paris cũng xoá nợ 17 tỷ USD cho Nigeria.