08:53 09/04/2008

Chống lạm phát, lộ “gót Asin”

Dương Ngọc

Từ việc kiềm chế lạm phát, nhiều yếu kém của nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ

Các ngân hàng thương mại đã bộc lộ nhiều yếu kém khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ - Ảnh: Việt Tuấn.
Các ngân hàng thương mại đã bộc lộ nhiều yếu kém khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ - Ảnh: Việt Tuấn.
Đứng trước lạm phát cao trong năm 2007 và “lồng lên” trong đầu năm 2008, Đảng và Chính phủ đã chủ trương “kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu” và đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát.

Song cũng từ việc kiềm chế lạm phát, nhiều yếu kém của nền kinh tế đã bộc lộ, kể từ hoạt động của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước đến người tiêu dùng.

Yếu kém của ngân hàng, doanh nghiệp

Các ngân hàng thương mại đã bộc lộ nhiều yếu kém khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Rõ nhất là tính thanh khoản của nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, mới chuyển từ ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị còn nhiều yếu kém.

Những nhược điểm này đã bộc lộ ra khi Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ bắt buộc và quyết định mua tín phiếu bắt buộc. Các ngân hàng thương mại cổ phần thiếu thanh khoản, buộc phải vay trên thị trường liên ngân hàng và do không chịu đựng nổi với mức lãi suất cao ngất ngưởng này, nên đã tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư, tạo thành cuộc đua lãi suất hiếm thấy trên thị trường tiền tệ - tín dụng với mức tăng cao, tăng liên tục, tăng nhanh trong thời gian ngắn, gây ra tình trạng rút vốn ồ ạt từ các kỳ hạn gửi trước có lãi suất thấp hơn, hoặc từ các ngân hàng có lãi suất thấp hơn sang ngân hàng có lãi suất cao hơn.

Do tính thanh khoản thấp, nên nhiều khoản cho vay đã được rút về, hoặc đã hạn chế cho vay mới, hoặc lãi suất cho vay đã tăng vọt, gây phản ứng của các doanh nghiệp, của các nhà đầu tư...

Các doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh về số lượng, nhưng tỷ lệ vốn chủ sở hữu còn thấp, đã vậy lại chưa tập trung chủ yếu vào hoạt động chuyên môn chính mà phân tán ra quá nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực không thuộc chuyên môn chính của mình, trong đó có những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bất động sản... Xuất hiện tình trạng đua nhau lập ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán.

Khi chỉ số giá chứng khoán trên thị trường giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp là công ty niêm yết đã gia tăng mạnh việc phát hành cổ phiếu càng làm cho giá cổ phiếu giảm mạnh; khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán lại “xả hàng”...

Một hạn chế lớn của doanh nghiệp là hiệu quả, sức cạnh tranh còn yếu kém, nên chỉ mới sau một năm gia nhập WTO, hạn chế này đã bộc lộ (biểu hiện ở nhập siêu vọt lên 14,12 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần mức nhập siêu của năm trước) và bước sang năm thứ hai gia nhập WTO, hạn chế trên đã bộc phát (biểu hiện ở nhập siêu mới qua 3 tháng đã vượt lên 7.366 triệu USD, cao hơn cả mức nhập siêu trong các năm từ 2006 trở về trước, bằng một nửa mức nhập siêu cả năm 2007 và với đà này, cả năm sẽ vượt qua mốc 20 tỷ USD).

Nhà đầu tư của Việt Nam phần nhiều là nhỏ lẻ, do vốn ít nên thường phải đi vay, đã thế lại ít đầu tư trực tiếp vào sản suất mà thường đầu tư gián tiếp vào các thị trường tiềm ẩn rủi ro, chạy lòng vòng hết kênh này sang kênh khác, từ chứng khoán, bất động sản, vàng, USD, tiết kiệm.

Do vốn ít, phải đi vay nên thường đầu tư theo phong trào, “bán không ở đỉnh, mua không ở đáy” mà thường “mua ở đỉnh, bán ở đáy”, tạo nên các cơn “sốt” và thường lĩnh đủ hậu quả.

Hạn chế của cơ quan chức năng

Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường, nhưng từ việc kiềm chế lạm phát thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, từ việc minh bạch thông tin, dự báo, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc điều hành. Nhiều thông tin hoặc là đã được giữ bí mật, chỉ đến khi tình hình diễn biến phức tạp, mới được các cơ quan “nhả” dần, như: việc mua ngoại tệ (lúc đầu nói là 6 - 7 tỷ sau nói là gần chục tỷ USD); tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng cung tiền (M2) từ mấy năm trước đã cao ngất ngưởng so với tốc độ tăng GDP...

Việc dự báo của các cơ quan chức năng còn chưa đủ tầm hoặc còn chủ quan nên còn thiếu chính xác. Tổ Điều hành thị trường trong nước đưa ra dự báo về tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng thực tế thường diễn biến cao hơn nhiều. Điển hình gần đây nhất là dự báo giá tiêu dùng tháng 3/2008 chỉ tăng 0,5 - 0,8%, nhưng thực tế đã tăng đến 2,99%, gấp 4 - 6 lần dự báo; cuối năm 2007 dự báo năm 2008 chỉ tăng dưới 8%, nhưng mới qua 3 tháng đã “lồng lên” 9,19%.

Khi đưa ra quyết định tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 2/2008, Bộ trưởng Tài chính cũng chỉ dự báo làm tăng giá tiêu dùng khoảng 0,4 - 0,5%, nhưng riêng tháng 3 đã tăng 2,99%, rồi còn tác động chuyển sang tháng 4, tháng 5... tới?Việc điều hành còn lúng túng và chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Từ đầu năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đáng lẽ thu tiền đồng về trước rồi mới mua USD, nhưng đã đưa hàng trăm nghìn tỷ đồng ra mua USD, sau đó hút tiền về không kịp (với lãi suất thấp, đã vậy nhiều ngân hàng thương mại còn hạ lãi suất huy động), một lượng lớn tiền còn bị kẹt lại trong lưu thông gây áp lực lạm phát.

Khi tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 8, tháng 9/2007 thấp hơn tốc độ tăng trong các tháng 5, 6, 7 theo chu kỳ trong nhiều năm thì đã vội cho là lạm phát đã được chặn lại; ngay cả khi lạm phát đã tăng cao trở lại trong tháng 10, tháng 11, thì cuối tháng 11 đã tăng giá xăng dầu làm cho giá tháng 12 tăng tới 2,91%, cao nhất so với cùng kỳ trong 15 năm trước đó; rồi cuối tháng 12, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương lại tăng “giật cục” giá xăng dầu...

Khi lạm phát cao ở trong nước, Nhà nước đã giảm thuế nhiều mặt hàng, để tăng cung, giảm lạm phát ở trong nước, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu, Nhà nước lại mất hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế; đặc biệt trong đó có giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô - là mặt hàng cao cấp và đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập cao - và đến nay lại phải tăng thuế suất trở lại...