10:38 17/03/2008

Chống lạm phát: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Nguyễn Hà

“Cơn bão giá” đang đe dọa khiến nguy cơ lạm phát tăng cao ở hàng loạt nước châu Á

Chuyện lạm phát không chỉ có ở Việt Nam.
Chuyện lạm phát không chỉ có ở Việt Nam.
“Cơn bão giá” đang đe dọa khiến nguy cơ lạm phát tăng cao ở hàng loạt nước châu Á.

Giá dầu mỏ tăng cao, có lúc đã lên tới 109,2 USD/thùng. Giá gạo trên thị trường thế giới tăng hơn 15% trong năm qua và sẽ tiếp tục tăng do quan hệ cung cầu. Giá thực phẩm, sắt thép, nguyên liệu khác... cũng có xu hướng gia tăng.

Tình hình đó đã buộc nhiều nền kinh tế, nhất là ở châu Á phải đưa ra các giải pháp cấp bách chống lạm phát.

Hàn Quốc: Biện pháp đồng bộ

Tại Hàn Quốc đến tháng 1/2008, lạm phát đã tăng 3,6%, Chính phủ đưa ra mục tiêu bình ổn giá tiêu dùng và hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp. Một ủy ban chống tăng giá và chống đầu cơ được thành lập do thứ trưởng Choi Joong Kyung đứng đầu.

Chính phủ Hàn Quốc giảm giá điện sinh hoạt và duy trì cho đến năm 2010. Chính phủ cũng quyết định miễn, giảm một số dòng thuế tiêu thụ và nhập khẩu; tiến hành hỗ trợ trên 1,0 tỷ USD cho nông dân vay vốn ưu đãi nhằm tăng mức cung lương thực và thực phẩm; giảm 50% mức phí giao thông vận tải trên các tuyến đường cao tốc trong một số giờ...

Các biện pháp tiết kiệm sử dụng năng lượng của Chính phủ, cải cách màng lưới phân phối và dịch vụ, giảm phí dịch vụ y tế, viễn thông... đã được đưa ra, nhằm giảm chi phí cho người dân.

Trung Quốc: Phối hợp chính sách

Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát đến tháng 2/2008 đã lên tới 8,3%, tăng so với mức 7,1% trong tháng 1/2008, cao nhất trong 11 năm qua, trong khi mục tiêu được đề ra trong năm 2008 là kiềm chế giá tiêu dùng dưới 4,8%.

Nguyên nhân chính là giá lương thực - thực phẩm tăng tới 23,3% so với mức 18,2% đến hết tháng 1/2008.

Để chống lạm phát, Chính phủ chủ trương ưu tiên thực hiện chính sách tài chính ổn định, minh bạch và siết chặt chính sách tiền tệ trong năm 2008, hạn chế cung ứng tiền. Chính phủ cũng ưu tiên các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân, cho phép đồng nhân dân tệ biến động linh hoạt hơn.

Thực ra Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Trung ương) đã thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt ngay từ năm 2007 với các biện pháp nới lỏng quy định giao dịch ngoại tệ, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tới 10 lần và thực hiện 6 lần tăng lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, với mức tăng không lớn, để thị trường tiền tệ không bị sốc cũng như không gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Tháng 5/2007 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới rộng biên độ giao dịch của đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ. Theo đó, biên độ giao dịch mua bán USD được phép dao động trong khoảng 0,5% so với tỷ giá chính thức công bố hàng ngày.

Từ ngày 15/8/2007 Chính phủ Trung Quốc cũng quyết định giảm mạnh thuế thu nhập đối với lãi tiết kiệm từ 20% xuống còn 5,0%. Tháng 9/2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 12% lên 12,5%; Từ tháng 10/2007, tiếp tục tăng lên 13%.

Quyết định này nhằm kiểm soát lưu thông tiền tệ và kiềm chế tốc độ cho vay quá mạnh của các ngân hàng thương mại vào bất động sản. Biện pháp này được phối hợp với quy định tăng mức đặt cọc khi vay tiền mua ngôi nhà thứ hai, tăng lãi suất cho vay và tăng thuế lợi tức tiền gửi ngân hàng, hạn chế tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Tháng 11/2007, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục quyết định tăng thêm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lên 13,5; từ tháng 12/2007, lần thứ 10 kể từ đầu năm 2007, tăng lên 14%.

Kèm theo các biện pháp nói trên, Chính phủ Trung Quốc cũng phát hành tín phiếu đối với các ngân hàng thương mại nhằm thu hút tiền từ lưu thông về.

Nguyên nhân gây lạm phát

Tại Việt Nam, năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 12,6%. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2008 CPI đã tăng 6,02% và so với tháng 2/2007 tăng tới 15,67%. Tăng giá cao nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm đứng hàng thứ hai là nhà ở và vật liệu xây dựng, thứ ba là đồ dùng và dịch vụ khác.

Nguyên nhân của chỉ số CPI tăng cao nói trên chủ yếu do yếu tố thời tiết khí hậu, do giá thị trường quốc tế, do cung cầu,do chi phí sản xuất tăng cao... chứ không phải chủ yếu do tiền tệ.

Cụ thể như, giá gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, thuỷ, hải sản, đồ gỗ, than đá, dầu thô... xuất khẩu của Việt Nam tăng cao do giá thị trường thế giới biến động mạnh, theo xu hướng tăng, đã làm cho giá thu mua xuất khẩu tăng theo.

Giá dầu thô thị trường quốc tế đã lên tới 108,24 USD/thùng đang tạo sức ép tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu, giá bán gas và các sản phẩm có liên quan. Giá sắt thép trên thị trường thế giới tăng cao. Việt Nam phải nhập một khối lượng lớn sắt thép, nên rõ ràng giá sắt thép tăng là do “nhập khẩu” từ bên ngoài.

Các nhân tố đó làm giá cả của Việt Nam tăng cao. Nên cho dù Ngân hàng Nhà nước có thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ hơn nữa, có hút thêm vài chục nghìn tỷ đồng từ lưu thông về thì cũng không thể kéo được giá các nhóm mặt hàng đó giảm.

Thắt chặt tiền tệ quá dồn dập

Dồn dập trong tháng 2 và 3/2008, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện cùng một lúc 4 biện pháp được coi là cứng rắn:

Một là, quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11%, mở rộng thêm phạm vi tiền gửi dự trữ bắt buộc.

Hai là, ngày 15/2/2008 Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc và không được vay tái cấp vốn.

Ba là, từ tháng 2/2008, các loại lãi suất chủ đạo của Ngân hàng Nhà nước tăng cao hơn trước. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-Ngân hàng Nhà nước, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán, theo hướng thắt chặt cho vay hơn.

Cùng với 4 quyết định nói trên, Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế mua USD, làm cho tỷ giá xuống thấp, vốn VND khan hiếm. Đây là cách làm khác hẳn với kinh nghiệm của Trung Quốc.

Tác động không mong đợi

Năm biện pháp đó đã gây ra nên cú sốc và phản ứng tiêu cực tức thì của thị trường tiền tệ và hoạt động của ngân hàng thương mại. Thị trường tiền tệ nóng lên chưa từng thấy.

Song quan ngại nhất là tác động đến tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, hàng loạt ngân hàng thương mại hạn chế cho vay vốn. Thậm chí do lo vấn đề thanh khoản, một số ngân hàng thương mại hiện đã hạn chế cho vay và tập trung thu nợ. Một số ngân hàng thương mại chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới.

Phần đông ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,35% - 0,60%/tháng so với trước. Nhiều ngân hàng thương mại cho vay ngắn hạn VND với lãi suất 1,55% - 1,65%/tháng, lãi suất cho vay trung dài hạn lên tới 1,70% - 1,75%/tháng, nhưng không phải ai cũng vay được.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác tăng lãi suất lên rất cao, ngắn hạn tới 1,95%/tháng, trung và dài hạn tới 2,0% - 2,05%/tháng. Với mức lãi suất đó chỉ có những khách hàng thực sự quá khó khăn, hoặc đầu tư mạo hiểm theo kiểu “lướt sóng” mua vàng mới dám vay, bởi vì hiếm có lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào có mức lợi nhuận 24% - 26%/năm để đủ trả lãi ngân hàng.

Theo thông lệ, tác động của việc thực hiện chính sách tiền tệ có độ trễ ít nhất là 6 tháng. Do đó tình trạng thiếu vốn đầu tư cho nền kinh tế từ hạn chế cho vay sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2008. Rõ ràng, mục tiêu tăng trưởng GDP là 9% trong năm nay khó đạt được.

Với những quy định khống chế trần lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại là 12%/năm, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có biện pháp khống chế ngay lãi suất cho vay, có lẽ hợp lý hơn cả là không được quá 15%/năm, nhằm hạn chế những rủi ro với chính các ngân hàng thương mại và với doanh nghiệp.

Bởi lẽ “vòng xoáy” lãi suất sẽ tạo nên mặt bằng mới về lãi suất trong nền kinh tế, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, gây sức ép tăng giá, tạo thêm nguy cơ lạm phát. Hiện nay tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam đã cao gần bằng của Trung Quốc, nhưng lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay lại cao gấp 2 lần, trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ bằng 70% mức tăng của Trung Quốc!

Coi trọng điều hành tỷ giá

Trong 2 năm gần đây, USD đã mất giá nhiều so với các ngoại tệ mạnh khác cũng như các đồng tiền trong khu vực, ước tính khoảng 20% - 24%.

Tuy nhiên ở Việt Nam thì lại để cho USD lên giá nhẹ: năm 2005 tăng 0,90%, năm 2006 tăng 0,90%, năm 2007 tăng 0,10%. Thậm chí năm 2007 Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra tới gần 150.000 tỷ đồng mua khoảng 9,9 tỷ USD để thực hiện mục tiêu tăng giá nhẹ 0,50%.

Việc neo giữ tỷ giá quá lâu đã là nguyên nhân quan trọng góp phần gây nên lạm phát cao hiện nay. Việc này cũng làm cho hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá, thêm phần lạm phát.

Cần cụ thể hoá các chính sách khác

Tiền tệ là một nguyên nhân quan trọng của lạm phát, song qua phân tích ở trên, lạm phát còn do cầu kéo, do chi phí đẩy. Các biện pháp thắt chặt tài khoá, nâng cao hiệu quả chính sách đầu tư,... đã được đề cập đến, nhưng hầu như mới chỉ nêu trong văn bản. Các biện pháp thúc đẩy sản xuất phát triển chưa thấy đề cập nhiều.

Chủ trương hỗ trợ 1 triệu đồng cho 1 con bò, con trâu bị chết rét, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được hưởng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khống chế dư nợ đối với các tỉnh không quá mức dư nợ thời điểm 30/11/2007, hoặc khống chế theo kế hoạch, làm cho vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn càng thiếu.

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thiết bị, hiện đại hoá công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh,... không nên chỉ ỷ lại vào tỷ giá. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiết kiệm và chống lãng phí trong chi tiêu từ ngân sách Nhà nước. Thực hiện kiên quyết khâu giải phóng mặt bằng, hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư. Kiên quyết thắt chặt việc chi tiêu từ ngân sách. Không nên chỉ gây sức ép quá lớn cả về cơ chế và dư luận lên điều hành chính sách tiền tệ.

Chính phủ cũng cần có các chính sách về miễn giảm thuế cho hộ nông dân sau đợt rét đậm vừa qua, có chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp,... phát triển. Chính phủ kiên quyết không bù lỗ giá xăng, giá điện... và sử dụng số tiền tiết kiệm do không phải bù lỗ để hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp.