14:52 18/08/2015

Chủ tịch Quốc hội: Không có luật thì theo lẽ phải

Nguyễn Lê

Khi có vụ việc, dân không dựa vào tòa thì còn đưa ra đâu nữa?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.<br>
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.<br>
Phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự chiều 17/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không có luật nào quy định hết được mọi thứ, nên có luật thì theo luật, còn không có luật thì theo lẽ phải.

Tòa không thể nào từ chối chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, nếu có tranh chấp tòa không giải quyết mà đề dân tự xử thì trật tự xã hội sẽ thế nào? Đó cũng là băn khoăn của Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào.

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, có nên quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng tại dự thảo bộ luật hay không vẫn chưa thể đi đến thống nhất.

Hậu quả khó lường

Được thể hiện tại khoản 2 điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, quy định nói trên, theo tổng hợp của Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án luật - ý kiến đồng tình cũng nhiều và không đồng tình cũng không ít.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Quy định của Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử thẩm phán, hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy nếu chưa có điều luật để áp dụng thì tòa án sẽ không có căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự, sẽ không thể phát triển được án lệ để tòa án áp dụng giải quyết vụ án.

Việc áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự hoặc theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong xét xử, gây ra những hậu quả khó lường hết được, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Cho rằng trước mắt chưa nên đưa quy định này vào luật, song Thường trực Ủy ban Tư pháp vẫn đề xuất hai phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Theo đó, phương án một là không quy định, và phương án hai là giữ như quy định tại điều 4 của dự thảo luật.

Chỉ một phương án

Tại buổi thảo luận, cũng có ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, song đa số đều khẳng định tòa án không thể từ chối yêu cầu của dân.

Có một số đại biểu băn khoăn nếu không có điều luật thì sẽ xét xử tùy tiện nhưng vẫn có thể áp dụng tập quán, ngyên tắc tương tự hay án lệ, trên cơ sở quy định chung cũng không xét xử tùy tiện được, Phó chánh án Tống Anh Hào khẳng định.

Khẳng định chỉ có phương án hai mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, pháp luật hiện hành cũng đã cho áp dụng tập quán tương tự khi xét xử rồi.

Trước lo lắng nếu chỉ quy định chung chung như khoản 2 điều 4 thì có thể rất phức tạp cho việc xét xử của tòa án, ông Lý phân tích, không phải mọi việc “hầm bà làng” đều đưa đến tòa án, mà trước hết là việc dân sự và vụ án dân sự. Và thế nào là vụ việc dân sự thì đã được  quy định trong bộ luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng băn khoăn là quan điểm tại khoản 2 điều 4 là rất nhân văn, được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của đại biểu Quốc hội mà đến nay vẫn chỉ là phương án hai.

Theo bà Mai, cơ quan cơ quan soạn thảo là người đưa ra ý tưởng tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng phải làm thế nào để thuyết phục được mọi người đồng tình với quy định này.

Lưu ý là không có luật nào quy định hết được mọi thứ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có luật thì theo luật, không có luật thì theo lẽ phải.

"Tòa đưa lẽ phải ra, căn cứ phong tục tập quán, đạo đức xã hội, xã hội thừa nhận thì cái đó trở thành bản án. Khi có vụ việc, dân không dựa vào tòa thì còn đưa ra đâu nữa? Bảo vệ công lý thì người dân tin nhất là tòa án, chứ không phải chính quyền", Chủ tịch phát biểu.

"Lẽ công bằng mỗi người hiểu một cách, có luật còn rắc rối nữa là không có luật, phải cân nhắc rất kỹ, vì dân nhưng phải giải quyết được", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện kiên trì quan điểm.

"Nên để một phương án hai, nếu tòa không giải quyết để dân tự xử còn nguy hiểm hơn", Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gút lại phiên thảo luận.