06:10 21/05/2015

Đề nghị bỏ quy định “thiếu luật tòa cũng không được từ chối”

Nguyễn Lê

Quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn nước ta, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Tòa án Nhân dân Tối cao giữ quan điểm: tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có luật. Trong ảnh là trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội.
Tòa án Nhân dân Tối cao giữ quan điểm: tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có luật. Trong ảnh là trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội.
Tòa án Nhân dân Tối cao kiên trì trình, còn Ủy ban Tư pháp cũng kiên trì đề nghị bỏ quy định “tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Chiều 20/5, Quốc hội nghe cả tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là nội dung đầu tiên được Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày trong phần một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau về dự án luật.

Theo loại ý kiến thứ nhất, cơ quan trình dự án luật cho rằng việc bổ sung quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Lập luận của loại ý kiến đề nghị không nên bổ sung quy định nói trên là không có điều luật thì tòa án không có căn cứ để xét xử. Án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện.  

Nhấn mạnh đây là vấn đề mới, cơ quan thẩm tra nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, tòa án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật, báo cáo thẩm tra viết.

Vì vậy, quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn nước ta, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị bỏ quy định này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện trình bày.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, một nội dung khác cũng được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là mới, phức tạp. Đó là quy định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện.

Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với quy định thẩm quyền cho tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện và thấy rằng quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế, báo cáo thẩm tra nêu.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các căn cứ, điều kiện áp dụng và trình tự, thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện để bảo đảm tính khả thi.

Đề nghị nữa được cơ quan thẩm tra đưa ra là cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định của các pháp lệnh thủ tục bắt giữ, tàu bay, tàu biển để có thể pháp điển hóa trong dự thảo bộ luật, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật”.