11:23 20/08/2007

Chứng khoán châu Á phục hồi mạnh

Kiều Oanh

Ngày 20/8, trên thị trường chứng khoán châu Á diễn ra phiên phục hồi mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây

Vẻ vui mừng lộ rõ trên khuân mặt các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản.
Vẻ vui mừng lộ rõ trên khuân mặt các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản.
Ngày 20/8, trên thị trường chứng khoán châu Á diễn ra phiên phục hồi mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây.

Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 4%, mức tăng cao nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ tháng 5/2004, thời điểm chỉ số này tăng 4,2%. Tuần trước, chỉ số này sụt giảm tới 9,6%, mức giảm trong tuần mạnh nhất trong gần một thập kỷ.

Vào cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 3,7%, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ tháng 3 năm 2002, thể hiện đà phục hồi từ mức giảm trong ngày mạnh nhất trong vòng gần 6 năm hôm 17/8.

Cổ phiếu tài chính, các cổ phiếu có mức giá sụt giảm mạnh nhất trong đợt bán tháo gần đây, có mức tăng giá cao nhất trong phiên giao dịch sáng ngày 20/8, đóng góp tới 3,7% trong mức tăng 4% của chỉ số MSCI.

Cổ phiếu của ngân hàng đầu tư hàng đầu Australia Macquarie tăng tới 7%, trong khi cổ phiếu ngân hàng cho vay lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ cũng tăng 3,8%. Cổ phiếu ngân hàng cho vay lớn nhất Hàn Quốc Kookmin tăng 3%, cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS Group của Singapore tăng 5,1%.

Trong khi đó, giá các loại trái phiếu chính phủ đã giảm xuống khi niềm tin của giới đầu tư vào cổ phiếu tăng trở lại. Giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Nhật Bản đã giảm xuống từ mức cao nhất 17 tháng đạt được vào tuần trước.

Như vậy, chứng khoán châu Á đã phục hồi sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chiết khấu từ mức 6,25% xuống còn 5,75% nhằm hãm phanh sự tuột dốc của thị trường chứng khoán nước này. Sau động thái của FED, thị trường chứng khoán Mỹ và EU đều đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Mặc dù vậy, lãi suất chiết khấu đồng USD vẫn được duy trì ở mức 5,25%.

“Thị trường toàn cầu có vẻ như đang bình ổn trở lại sau một giai đoạn xáo trộn mạnh”, Kim Hak-kyun, một nhà phân tích tại Công ty Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc nhận định. Ông nói thêm: “Động thái của FED cũng dẫn tới kỳ vọng về việc cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD, mặc dù không chắc bao giờ FED sẽ thực hiện hành động đó.”

Theo FED, những rủi ro đối với tăng trưởng đã tăng lên đáng kể, khiến cơ quan này không còn coi lạm phát là một mối lo ngại chính nữa. Đồng thời, FED cũng cho thấy những dấu hiệu có thể sẽ còn đi xa hơn trong việc nới lỏng chính sách tín dụng.

(Theo Reuters)