Chứng khoán Mỹ chững lại trong lúc thoả thuận trần nợ gặp trở ngại, giá dầu lao dốc 4%
Tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vào thời điểm này là thận trọng và chờ đợi...
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/5) trong trạng thái ít biến động và không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư lo lắng về việc nhiều nghị sỹ phản đối thoả thuận nâng trần nợ, nhưng lạc quan về sự tăng điểm của cổ phiếu Nvidia có lúc đưa giá trị vốn hoá của hãng chip này đạt 1 nghìn tỷ USD.
Giá dầu thô sụt sâu vì mối lo rằng thoả thuận trần nợ Mỹ sẽ gặp trở ngại và những tín hiệu trái ngược từ OPEC+ trước thềm cuộc họp vào cuối tuần này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 50,56 điểm, tương đương giảm 0,15%, còn 33.042,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,07 điểm, tương đương tăng 0%, đạt 4.205,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,32%, đạt 12.017,43 điểm.
Tuy gần như đi ngang trong phiên này, S&P 500 đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Cả S&P 500 và Nasdaq đều đang tiến tới hoàn tất một tháng tăng điểm, trong khi Dow Jones có thể mất điểm trong tháng này. Phiên ngày thứ Tư sẽ là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5.
Tâm lý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vào thời điểm này là thận trọng và chờ đợi.
Vào cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt một thoả thuận đình chỉ trần nợ cho tới tháng 1/2025 và hạn chế một số khoản chi tiêu của Chính phủ liên bang. Hôm thứ Ba, ông McCarthy nói thoả thuận này có thể “dễ dàng” để các nghị sỹ Cộng hoà bỏ phiếu và thông qua, nhưng một số người Cộng hoà ở cánh hữu tuyên bố phản đối thoả thuận.
“Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu cuộc bỏ phiếu đầu tiên mang tới thất bại và họ sẽ phải làm lại. Nhưng tôi tin chắc rằng một thoả thuận trần nợ sẽ được phê chuẩn trước ngày 5/6, ngày mà vỡ nợ có thể xảy ra”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA phát biểu với hãng tin Reuters.
Tại Hạ viện, Uỷ ban Các quy định đã bắt đầu rà soát dự luật trần nợ dài 99 trang, còn Nhà Trắng cho biết ông Biden đã có các cuộc trao đổi với cả các thành viên cấp tiến và ôn hoà của Đảng Dân chủ trong Quốc hội.
Cổ phiếu Nvidia thu hẹp mức tăng sau khi đạt mức cao kỷ lục. Hãng chip này dự báo sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu con chip trí tuệ nhân tạo (AI) dùng cho chatbot có tên ChatGPT và các ứng dụng khác. Lúc đóng cửa, cổ phiếu Nvidia tăng 3%, vốn hoá thị trường đạt 991 tỷ USD. Trong phiên, có lúc vốn hoá của Nvidia đạt mốc 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử hãng.
“Nvidia đang là một biểu tượng của sự phát triển AI ở thời điểm hiện tại. Nếu xu hướng AI này là có thực, nhu cầu trước mắt sẽ tập trung vào con chip và năng lực điện toán”, Chủ tịch Thomas Hayes của công ty Great Hill Capital LLC nhận định.
Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là một vấn đề gây lo ngại đối với giới đầu tư chứng khoán Mỹ và toàn cầu. Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy niềm tin tiêu dùng của người Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh hơn dự báo, và điều này có thể làm dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Theo chiến lược gia trưởng Anthony Saglimbene của công ty Ameriprise Financial, việc Fed tăng lãi suất đang gây sứt mẻ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp, khiến cho một nhóm chỉ 20 công ty, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ, chiếm tới 10% tổng lợi nhuận của S&P 500 từ đầu năm đến nay.
Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón báo cáo việc làm tổng thể tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Các con số trong báo cáo này sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá nền kinh tế trụ vững như thế nào khi lãi suất cao khiến doanh nghiệp ngày càng khó vay tiền.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,53 USD/thùng, tương đương giảm 4,6%, còn 73,54 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,21 USD/thùng, tương đương giảm 4,4%, còn 69,46 USD/thùng.
Mối lo về những trở ngại mới đối với việc nâng trần nợ Mỹ đang đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa. Chưa kể, thị trường còn hoang mang khi các nước sản xuất dầu lớn liên tiếp phát đi những tín hiệu trái chiều trước thềm cuộc họp sản lượng tại Vienna, Áo vào ngày 4/6 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
“Mối lo lớn nhất hiện nay là sự kịch tính tiếp diễn liên quan đến trần nợ. Cho tới khi thoả thuận nâng trần nợ được thông qua, thị trường sẽ còn bất an”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Về cuộc họp của OPEC+, nhà đầu tư đang băn khoăn không biết liệu liên minh này có tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu để hỗ trợ giá dầu đang trong xu hướng giảm do mối lo về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cảnh báo các nhà bán không dầu lửa rằng họ hãy “chờ xem” - một tín hiệu OPEC có thể giảm sản lượng. Tuy nhiên, giới chức Nga, bao gồm Phó thủ tướng Alexander Novak lại phát tín hiệu rằng nước này nghiêng về giữ nguyên sản lượng dầu.
Hồi tháng 4, Saudi Arabia và một số thành viên khác trong OPEC+ đã công bố cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của liên minh lên 3,66 triệu thùng/ngày - theo tính toán của Reuters.
Tuần này, thị trường sẽ dành nhiều quan tâm đến số liệu ngành sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc để tìm kiếm những dấu hiệu về sự phục hồi nhu cầu năng lượng của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.