Các địa phương Trung Quốc ráo riết đòi nợ vì hết tiền
Động thái được đánh giá là bất thường và phản ánh thách thức tài chính các chính quyền địa phương Trung Quốc đang gặp phải...
Vũ Hán, thành phố lớn nhất ở miền Trung của Trung Quốc, mới đây công khai yêu cầu hàng trăm công ty địa phương trả nợ chính quyền. Đây là một động thái cực kỳ hiếm gặp và hé lộ tình hình tài chính căng thẳng mà nhiều địa phương ở nước này đang đối mặt trong bối cảnh kinh tế bấp bênh - hãng tin CNN nhận định.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Sở Tài chính Vũ Hán ra một tuyên bố nói rằng có 259 doanh nghiệp và thực thể nợ chính quyền địa phương tổng cộng hơn 100 triệu Nhân dân tệ, tương đương 14 triệu USD. Sở Tài chính Vũ Hán hối thúc các công ty này trả số nợ quá hạn trong thời gian sớm nhất có thể.
Các đơn vị vay nợ hoặc bảo lãnh cho việc vay nợ từ chính quyền Vũ Hán bao gồm các công ty quốc doanh hoặc tư nhân, cơ quan chính quyền hoặc tổ chức nghiên cứu - truyền thông địa phương cho biết.
Sở Tài chính Vũ Hán cho biết đã không thành công trong việc thu nợ và treo thưởng cho những ai có thể cung cấp thông tin hữu ích về tài sản tài chính của các con nợ.
Lời kêu gọi công khai này của Vũ Hán - thành phố vốn là tâm điểm của đại dịch Covid-19 vì là nơi virus được phát hiện đầu tiên vào cuối năm 2019 - được đánh giá là bất thường và phản ánh thách thức tài chính các chính quyền địa phương Trung Quốc đang gặp phải.
Chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid của Trung Quốc đã làm cạn kiệt ngân sách của nhiều tỉnh thành ở nước này, khi các địa phương phải chi hàng tỷ USD cho những đợt phong toả nối tiếp nhau, các đợt nghiệm hàng loạt và các trung tâm cách ly, trước khi chính sách này bị dỡ bỏ vào tháng 12 năm ngoái.
Sự lao dốc của thị trường bất động sản cũng khiến cho khó khăn tài chính của các địa phương Trung Quốc thêm phần nghiêm trọng, vì ngân sách địa phương có sự phụ thuộc lớn vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất.
Theo hãng tin Reuters, các số liệu chính thức cho thấy khó khăn này. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết chi cho y tế của nước này tăng gần 18% trong năm ngoái, lên mức 2,25 nghìn tỷ Nhân dân tệ, sau khi gần như đi ngang trong năm 2021. Thu ngân sách địa phương từ cấp quyền sử dụng đất giảm 23,3%, còn 6,69 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương giảm 288 tỷ USD. Trong khi đó theo giới phân tích, đất đai là nguồn thu chiếm khoảng 1/4 tổng thu ngân sách địa phương ở Trung Quốc.
Giới phân tích ước tính dư nợ của chính phủ Trung Quốc vượt mức 123 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 18 nghìn tỷ USD, vào năm ngoái. Trong đó, ước tính có gần 10 nghìn tỷ USD là “nợ ẩn” nằm trong các công cụ tài chính nhiều rủi ro của các chính quyền địa phương.
Còn theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức nợ công khai của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm lên mức 35,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,14 nghìn tỷ USD, vào năm ngoái.
Sau khi dỡ Zero Covid, kinh tế Trung Quốc đã phục hồi, nhưng sự phục hồi gần đây có những dấu hiệu mất đà. Điều này khiến thu ngân sách của các địa phương nước này thêm phần bấp bênh.
Do ngân sách thắt chặt, một số thành phố của Trung Quốc đã phải cắt giảm chế độ chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Nhiều dịch vụ công quan trọng khác cũng đang bị đặt vào thế rủi ro.
Thông báo đòi nợ của chính quyền Vũ Hán được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cơ quan tài chính của thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, không thể huy động đủ tiền để trả nợ trái phiếu. Vân Nam là một trong những tỉnh nợ nhiều nhất ở Trung Quốc, với tỷ lệ giữa dư nợ của chính quyền với thu ngân sách đã vượt mức hơn 1.000% vào năm ngoái.
Vũ Hán và Côn Minh không phải là những địa phương duy nhất ở Trung Quốc hé lộ tình trạng nợ nần căng thẳng. Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, hồi tháng 4 công khai thừa nhận không thể giải quyết được khó khăn tài chính và đề nghị chính quyền trung ương hỗ trợ để tránh rơi vào cảnh vỡ nợ.
Ở Vũ Hán, những công ty đang bị chính quyền đòi nợ bao gồm các doanh nghiệp lớn như nhà sản xuất ô tô Dongfeng Wuhan Light Vehicle thuộc quyền kiểm soát của cơ quan điều tiết tài sản nhà nước địa phương, và Uni-President Enterprises - một hãng thực phẩm và đồ uống Đài Loan có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc đại lục.