14:14 30/05/2023

Saudi Arabia-Nga căng thẳng chuyện cắt giảm sản lượng dầu

An Huy

Căng thẳng đang gia tăng giữa Saudi Arabia và Nga, khi Moscow khai thác dầu số lượng lớn và bán với giá rẻ, mặc cho Riyadh cố gắng tìm cách đẩy giá dầu lên - nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Wall Street Journal...

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đã bày tỏ không hài lòng với Nga vì Moscow không thực hiện đúng cam kết hạn chế sản lượng để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine, theo nguồn tin.

Giới chức Saudi Arabia đã phàn nàn với những người đồng cấp Nga và đề nghị họ tôn trọng kế hoạch cắt giảm sản lượng như đã nhất trí - nguồn tin cho hay.

LIÊN MINH LUNG LAY

Trước thềm một cuộc họp quan trọng dự kiến diễn ra tại Vienna vào ngày 4/6 tới, giữa OPEC và một nhóm các nước sản xuất dầu ngoài khối này cho Nga dẫn đầu - thường được gọi là liên minh OPEC+, mâu thuẫn giữa hai quốc gia khai thác nhiều dầu nhất thế giới đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn, theo tiết lộ của nguồn tin. Tại cuộc họp tới, OPEC+ dự kiến sẽ chốt kế hoạch sản lượng cho nửa sau của năm nay, trong bối cảnh mối lo ngày càng lớn rằng sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia đưa ra cảnh báo đối với các nhà bán khống trên thị trường dầu lửa, qua đó gửi đi một tín hiệu rằng OPEC+ sẵn sàng cắt giảm thêm sản lượng, giữa lúc giới đầu cơ gia tăng đặt cược vào sự mất giá của dầu và Nga không thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng giá dầu đang tiến dần tới ngưỡng “hợp lý về mặt kinh tế” - một dấu hiệu rằng có lẽ không cần thiết phải sớm thay đổi chính sách sản lượng hiện nay của liên minh.

Hồi đầu tháng 4, Saudi Arabia, Nga và các thành viên OPEC+ khác tuyên bố sẽ tự nguyện giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Trong đó, Nga nói sẽ kéo dài cho tới hết năm kế hoạch cắt giảm sản lượng đơn phương mà nước này đã triển khai từ tháng 3. Về phần mình, Saudi Arabia đã bắt đầu cắt giảm sản lượng từ tháng 5.

Giờ đây, các số liệu mới nhất cho thấy Nga vẫn bơm dầu khối lượng lớn ra thị trường - biện pháp giúp Moscow tối đa hoá nguồn thu cho nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh và trừng phạt. Nhưng đồng thời, việc Nga khai thác dầu mạnh tay cũng làm gia tăng sự dư thừa nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu - giới chức nhiều nước xuất khẩu dầu và các nhà giao dịch cho hay.

Giá dầu thế giới hiện đã giảm khoảng 10% so với thời điểm đầu tháng 4, bất chấp sự can thiệp do Saudi dẫn đầu, và giảm mạnh từ mức cao thiết lập khi chiến tranh Nga-Ukraine mới nổ ra vào đầu năm ngoái. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, hiện dao động quanh ngưỡng 77 USD/thùng.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Saudi Arabia có thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào gây ảnh hưởng đến liên minh năng lượng với Nga hay không. Mâu thuẫn giữa Riyadh và Moscow không phải là một vấn đề mới của OPEC+. Hồi tháng 3/2020, giá dầu lao dốc sau khi Saudi Arabia và Nga không thể đi đến nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung. Sau bất đồng đó, Saudi Arabia đã khơi mào một chiến giá dầu nhằm giành thị phần từ Nga.

Sau Arabia và Nga là đồng minh trong một nỗ lực rộng lớn của các nhà sản xuất dầu mỏ để hỗ trợ giá năng lượng. Mỹ là nhiều lần chỉ trích liên minh này, gọi đây là một quyết định thiển cận và ám chỉ OPEC+ tích cực hỗ trợ Nga chi trả cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực dầu mỏ, mối quan quan hệ đối tác của họ đến nay không mang lại kết quả đáng kể nào trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, thương mại hoặc đầu tư.

Mới đây, Saudi Arabia mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên đoàn Arab với tư cách khách mời đặc biệt. Saudi Arabia là một trong số những quốc gia đề nghị làm trung gian để chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine. Nước này đã giúp đàm phán một cuộc trao đổi tù nhân cấp cao vào năm ngoái giữa Nga và Ukraine và công bố 400 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Kiev.

NGA CẦN BƠM NHIỀU DẦU, SAUDI ARABIA CẦN GIÁ DẦU CAO

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã đưa ra một tuyên bố vào đầu tháng này nói rằng Moscow đang tuân thủ cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 cho đến cuối năm. Chính phủ Nga đã tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 5% sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp đặt trần giá đối với dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga.

“Xét đến những đồn đoán vô căn cứ trên báo chí liên quan đến mức sản lượng dầu, Nga tái khẳng định cam kết đầy đủ của mình và thực hiện mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện,” ông Novak nói.

Bộ Năng lượng Nga trong những tuần gần đây cũng đã liên hệ với các ấn phẩm của ngành dầu lửa để giải thích về việc nước này phải trì hoãn đóng cửa một số giếng dầu do thời tiết đóng băng bất thường ở một số khu vực của Nga. Cơ quan này cho biết Nga vẫn cắt giảm được 400.000 thùng/ngày vào đầu tháng 5 - gần bằng với mức cam kết, theo nguồn tin. Nguồn tin cũng nói rằng gần đây, Nga đã đề nghị các nguồn thứ cấp thay đổi ước tính của họ về sản lượng dầu của Nga, nhưng đề ghị đó bị từ chối.

Không có yêu cầu cụ thể nào đòi Nga phải báo cáo chính xác sản lượng khai thác dầu của mình, nhưng sự chênh lệch giữa các nguồn dữ liệu khác nhau làm tăng thêm căng thẳng trong OPEC+ quanh việc có nên cắt giảm sản lượng hơn nữa hay không.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga đang đẩy nhanh sự thay đổi trong dòng chảy năng lượng toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh thủ mua dầu Nga với giá rẻ, còn các nhà cung cấp Trung Đông chuyển hướng dầu thô của họ sang châu Âu.

Hồi tháng 3, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Tháng 4, lượng dầu nhập khẩu thô Nga của Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt qua lượng dầu thô mà Ấn Độ nhập từ Saudi Arabia và Iraq - theo công ty dữ liệu Vortexa.

Giới chức Saudi Arabia và những người khác quen thuộc với chính sách dầu mỏ của Saudi nước này tiết lộ rằng Riyadh chịu áp lực duy trì giá dầu cao vì ngân sách của nước này đòi hỏi giá dầu khoảng 81 USD/thùng để cân bằng, cao hơn khoảng 4 USD/thùng so với mức giá dầu hiện tại.

Riyadh cần tiền để trang trải cho các dự án phát triển khổng lồ nước này. Trong đó, có thể kể đến một khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ có diện tích bằng nước Bỉ và có những khách sạn nổi trên mặt nước mang phong cách Maldives, hay một thành phố công nghệ cao nằm giữa sa mạc với quy mô lớn gấp 33 lần thành phố New York của Mỹ.

Thái tử Mohammed bin Salman, người nắm quyền bính ở Saudi Arabia, đang triển khai một kế hoạch đầy tham vọng, sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ của đất nước để chuyển đổi nền kinh tế, xây dựng lại cảnh quan tự nhiên và thay đổi nền văn hóa bảo thủ. Khi giá dầu đạt 100 USD/thùng vào năm ngoái sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, Saudi Arabia đã tăng tốc kế hoạch chuyển đổi đó - kế hoạch được hậu thuẫn chủ yếu bởi quỹ lợi ích quốc gia có quy mô 650 tỷ USD do thái tử Mohammed giữ cương vị Chủ tịch.

Trong những tháng gần đây, các cố vấn kinh tế của Saudi Arabia đã cảnh báo riêng với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của nước này rằng Riyadh cần giá dầu duy trì ở mức cao trong thời gian 5 năm tới để có thể tiếp tục chi hàng tỷ USD cho các dự án mà đến nay mới chỉ thu hút được rất ít vốn đầu tư từ nước ngoài.