07:30 25/11/2008

Chứng khoán Mỹ tăng vọt sau tin vui từ Citigroup

Duy Cường

Ngày 24/11, một phiên tăng điểm mạnh mẽ lại diễn ra ở Phố Wall sau khi Citigroup được Chính phủ Mỹ giải cứu

Trong hai ngày giao dịch gần đây, chỉ số Dow Jones đã tăng 11,8% trong khi chỉ số S&P 500 lên 13,2% - Ảnh: AP.
Trong hai ngày giao dịch gần đây, chỉ số Dow Jones đã tăng 11,8% trong khi chỉ số S&P 500 lên 13,2% - Ảnh: AP.
Ngày 24/11, một phiên tăng điểm mạnh mẽ lại diễn ra ở Phố Wall sau khi Citigroup được Chính phủ Mỹ giải cứu.

Hôm thứ Hai, trong bài phát biểu trên sóng phát thanh, Tổng thống đắc cử Barack Obama đã hứa sẽ tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong vòng hai năm tới bằng việc tăng các khoản chi tiêu công để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông cho biết đang cân nhắc về phương án sẽ đầu tư khoảng 700 tỷ USD vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như xây bệnh viện, cầu, đường,... nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại cũng như nâng cao dịch vụ cho an sinh xã hội.

Liên quan đến thị trường bất động sản, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ vừa cho biết, doanh số bán nhà qua sử dụng ở Mỹ đã giảm 3,1% trong tháng Mười, xuống mức điều chỉnh trong năm là 4,98 triệu đơn vị (ngôi nhà, căn hộ).

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng trên 6%

Trong một tuyên bố mới đây trên tạp chí Der Spiegel của Đức, tỷ phú Mỹ George Soros đã cho rằng, chính quyền Washington cần phải bơm tiếp từ 300 đến 600 tỷ USD bổ sung thêm vào “Chương trình giải trừ các tài sản xấu” (TARP - Troubled Asset Relief Program) trị giá 700 tỷ đã được đưa ra trước đó để giải cứu thị trường tài chính Mỹ.

Điều này rất hợp lý nếu nhìn lại hiệu quả đầu tư của khoản tiền 290 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ đã rót vào nhiều ngân hàng ở nước này. Thực tế, thông tin phá sản ngân hàng quy mô nhỏ vẫn “đều đặn” xảy ra ở Mỹ, còn cổ phiếu của cả 9 định chế tài chính lớn liên tục sụt giảm mạnh bất chấp việc được Bộ Tài chính Mỹ rót 125 tỷ USD (không bao gồm 20 tỷ USD mới được rót vào Citigroup).

Biểu đồ dưới đây là một ví dụ điển hình minh chứng rõ nhất cho thấy mức sụt giảm của cổ phiếu 4 định chế tài chính lớn.

Chứng khoán Mỹ tăng vọt sau tin vui từ Citigroup - Ảnh 1

Biểu đồ so sánh biến động của chỉ số Dow Jones và cổ phiếu Citigroup (C), Goldman Sachs (GS), Morgan Stanley (MS), Bank of America (BAC) – Nguồn: G.Finance.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng qua, chỉ số Dow Jones giảm 2,85%, trong khi đó, cổ phiếu của Citigroup mất 54,6%, cổ phiếu Goldman Sachs  trượt 37,9%, cổ phiếu Morgan Stanley xuống 26%, cổ phiếu Bank of America giảm 36,57%.

Ngày 24/11, Chính phủ Mỹ đã công bố bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản xấu khác của Ngân hàng Citigroup với tổng trị giá 306 tỷ USD, đồng thời rót thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ, xét về mặt tài sản.

Để đổi lấy gói giải cứu này, Citigroup phải bán cho Chính phủ Mỹ lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 27 tỷ USD và mức cổ tức 8%. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng có được lượng chứng quyền trị giá 2,7 tỷ USD để mua cổ phiếu của Citigroup trong tương lai.

Tuy nhiên, bài toán đang đặt ra với Citigroup là việc tăng vốn bằng cách chuyển đổi nợ và phát cổ phiếu ưu đãi trong bối cảnh giá cổ phiếu của hãng đang ở mức thấp, sẽ kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Không ít định chế tài chính ở Mỹ hiện phải đối mặt với thực tế “dở khóc dở cười” khi đang nắm giữ hoặc có ý định mua cổ phiếu Citigroup - một thời ở hạng blue-chip, nay trở thành hạng cổ phiếu có mệnh giá thấp “penny stock”. Nguyên nhân là do có nhiều hợp đồng ủy thác đầu tư hay các quy tắc ràng buộc các định chế tài chính không được nắm giữ cổ phiếu có thị giá dưới 10 USD, 5 USD...

Chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần tiếp tục tăng mạnh sau khi Chính phủ Mỹ đưa ra quyết định giải cứu Citigroup mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu khối tài chính nói riêng và cả thị trường chứng khoán nói chung.

Ba chỉ số chứng khoán chính mở cửa ở mức cao hơn phiên giao dịch trước, sau đó thị trường qua một đợt điều chỉnh giảm không đáng kể. Đến gần 10 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số đã có sự bứt phá mạnh, đà tăng của các chỉ số đã được thể hiện rõ với sức nâng đỡ của cổ phiếu khối ngân hàng, công nghệ, năng lượng...

Đến 11 giờ, thị trường lại qua một đợt điều chỉnh giảm nhưng sau đó ít phút, các lệnh mua được tung vào thiết lập nên một xu hướng lên điểm vững chắc.

Khác biệt lớn nhất đã diễn ra vào lúc 14 giờ chiều khi cả ba chỉ số, đặc biệt là chỉ số Dow Jones có sự bứt phá mạnh mẽ còn chỉ S&P 500 và Nasdaq có lúc đã tăng trên 7% trước khi thị trường có sự điều chỉnh nhẹ sau đó.

Như vậy, trong hai ngày giao dịch gần đây, chỉ số Dow Jones đã tăng 11,8% trong khi chỉ số S&P 500 lên 13,2%, đây mức tăng mạnh nhất trong hai ngày của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 10/1987.

Sau thông tin được giải cứu, cổ phiếu Citigroup đã tăng 57,82%, lên 5,95USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường tăng thêm 12,4 tỷ USD, lên 32,4 tỷ USD.

Các cổ phiếu khối tài chính cũng tăng vọt khi chỉ số S&P Tài chính tăng 18,8%, trong đó cổ phiếu của Goldman Sachs lên 26,47%, Morgan Stanley tiến thêm 33,13%, JPMorgan tăng 21,4 %, Bank of America lên 27,2%,  Wells Fargo tăng 20%, Merrill Lynch tiến thêm 38,25%.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 24/11: Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 396,97 điểm, tương đương 4,93%, đóng cửa ở mức 8.443,39.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 87,67 điểm, tương đương 6,33%, chốt ở mức 1.472,02.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 51,78 điểm, tương đương 6,47%, đóng cửa ở mức 851,78.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 2,04 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,56 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 mã tăng điểm thì có 1 mã giảm điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng 10%

Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, ông Alistair Darling vừa cho biết sẽ đưa ra kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá khoảng 20 tỷ Bảng Anh thông qua việc cắt giảm thuế và hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ như một phần nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ năm thế giới này.

Chứng khoán châu Âu đã có sự bứt phá ngoạn mục sau khi Citigroup được giải cứu và tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh.

Các cổ phiếu khối ngân hàng đã tăng vọt trong ngày đầu tuần, trong đó cổ phiếu UBS lên 21,4%, cổ phiếu Lloyds TSB tiến thêm 18,4%, HBOS tăng 17,3%, cổ phiếu Royal Bank of Scotland lên 7,2%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu khối khai mỏ cũng có sự bứt phá mạnh, cổ phiếu BHP Billiton, Anglo American, Vedanta Resources, Lonmin, Kazakhmys, Xstrata, Antofagasta và Rio Tinto tăng từ 13% đến 28%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng vọt thêm 372 điểm, tương đương 9,84%, đóng cửa ở mức 4.152,96, khối lượng giao dịch đạt 2,38 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 10,34%, khối lượng giao dịch đạt 52,2 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 10,09%, khối lượng giao dịch đạt 214 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á “đỏ sàn” vì Citigroup

Là ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ xét về mặt tài sản, Citigroup khiến giới đầu tư châu Á gia tăng thêm những nguy cơ về diễn biến xấu đi của khối ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính có thể tiếp tục lan rộng.

Trong ngày 24/11, cơ quan thống kê Singapore cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 10 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức tăng 6,7% trong tháng 9/2008 so với cùng kỳ năm 2007.

Đáng chú ý là giá phí vận tải và dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm 0,2% trong tháng Mười, thấp hơn tháng trước 0,4%.

Trên thị trường chứng khoán Singapore, chỉ số Straits Times phiên này giảm 38,68 điểm, tương đương 2,33%, chốt ở mức 1.623,42 (tính đến 15g30).

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc phiên đầu tuần cũng mất điểm mạnh, trong đó dẫn đầu là mức giảm của cổ phiếu nhiều hãng sản xuất ôtô, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu Kia Motors tụt giảm 14,5% giá trị.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI trượt 33,59 điểm, tương đương -3,35%, chốt ở mức 970,14.

Chứng khoán Trung Quốc cũng đi xuống vì cổ phiếu của nhiều ngân hàng và công ty bất động sản mất điểm với biên độ lớn. Trong đó, cổ phiếu của Merchants Bank giảm 4%, cổ phiếu China Merchants Property Development mất 10%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 74,3 điểm, tương đương 3,77%, chốt ở mức 1.895,09.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiếp tục giảm 0,25%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 1,4%.

Thị trường chứng khoán Nhật nghỉ giao dịch nhân ngày lễ và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 25/11.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.046,42 8.443,39  Up396,97 Up  4,93
Nasdaq 1.384,35 1.472,02 Up  87,67 Up  6,33
S&P 500 800,03 851,81 Up  51,78 Up  6,47
Anh FTSE 100 3.780,96 4.152,96  Up372,00 Up  9,84
Đức DAX 4.127,41 4.554,33  Up426,92 Up10,34
Pháp CAC 40 2.881,26 3.172,11  Up290,85 Up10,09
Đài Loan Taiwan Weighted 4.171,10 4.160,54 Down  10,56 Down  0,25
Nhật Nikkei 225 7.910,79 N/A N/A  N/A
Hồng Kông Hang Seng 12.659,20 12.481,43 Down177,77 Down  1,40
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.003,73 970,14 Down  33,59 Down  3,35
Singapore Straits Times 1.657,50 1.623,42 Down  38,68 Down  2,33
Trung Quốc Shanghai Composite 1.969,39 1.897,06 Down  72,33 Down  3,67
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg