10:22 01/06/2024

Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo lạm phát, giá dầu không ngừng đi xuống

Bình Minh

Mức tăng nhìn chung phù hợp với dự báo của chỉ số PCE đã khiến giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall thở phào nhẹ nhõm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (31/5), với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, sau khi thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng cho thấy mức tăng không nằm ngoài dự báo. Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm trước thềm cuộc họp của OPEC+ và hoàn tất tháng giảm sâu nhất từ đầu năm.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 574,84 điểm, tương đương tăng 1,51%, chốt ở mức 38.686,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8%, đạt 5.277,51 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,01%, còn 16.735,02 điểm, do Nvidia và một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác bị bán mạnh.

Do đã giảm trước đó trong tuần, S&P 500 và Dow Jones có tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, với mức giảm tương ứng là 0,51% và 1,1%. Dow Jones mất 0,98% điểm số, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Dù vậy, cả ba chỉ số chính cùng kết thúc tháng 5 với thành quả tăng đáng kể, đánh dấu tháng tăng thứ 6 trong vòng 7 tháng trở lại đây. Dow Jones tăng 2,3% trong tháng 5; S&P 500 tăng 4,8%; và Nasdaq tăng 6,88%. Đối với Nasdaq, đây là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

“Thị trường vẫn đang trong xu hướng giằng co. Nhà đầu tư đang có nhiều câu hỏi: Thị trường rồi sẽ đi về đâu? Nền kinh tế sắp tới sẽ ra sao?" chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC, đề cập đến những biến số như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và mức độ chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Số liệu kinh tế được chờ đợi đến từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Sáu nhìn chung không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thống kê có ảnh hưởng lớn đến các quyết định lãi suất của Fed - tăng 0,2% trong tháng 4, bằng với mức dự báo tăng mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 2,8%, nhỉnh hơn so với mức dự báo tăng 2,7% mà các nhà kinh tế học đưa ra.

“Dữ liệu kinh tế quan trọng nhất của tuần này không có sự chênh lệch đáng kể so với kỳ vọng”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của công ty Independent Advisor Alliance nhận xét, và nói thêm rằng thị trường đã “thở phào nhẹ nhõm” sau báo cáo PCE. Trước đó, thị trường đã lo ngại rằng số liệu PCE sẽ nóng hơn dự báo, dẫn tới việc Fed trì hoãn lâu hơn việc giảm lãi suất.

Tuy nhiên, trao đổi với hãng tin Reuters, nhà quản lý danh mục Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth nói rằng dữ liệu PCE về cơ bản không dẫn tới thay đổi gì trong kỳ vọng lãi suất.

“Báo cáo PCE không thực sự có ảnh hưởng gì… Đó chỉ là một báo cáo cho thấy nguyên trạng duy trì, nên không có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn hay sẽ giảm lãi suất sớm hơn cả”, ông Pavlik nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 0,92 USD/thùng, tương đương giảm 1,18%, còn 77,99 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 7 tại London giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,29%, còn 81,62 USD/thùng.

Tính cả tháng 5, giá dầu WTI giảm 6%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, trong khi giá dầu Brent giảm 7,1%.

Sự giảm giá này diễn ra trước cuộc họp để bàn về chính sách sản lượng của OPEC+ vào ngày Chủ nhật tuần này. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Nội dung chính của cuộc họp này sẽ là kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đã thực thi từ đầu năm tới nay.

Nguồn tin là quan chức OPEC+ tiết lộ với CNBC rằng kế hoạch giảm sản lượng này sẽ duy trì.

“Chúng tôi nhận thấy chẳng có lý do gì để OPEC+ bơm thêm dầu ra thị trường vào thời điểm này. Làm vậy chỉ gây áp lực giảm lên giá dầu”, chiến lược gia trưởng Helima Croft của công ty RBC Capital Markets nhận định trong một báo cáo.

Phần bù rủi ro đối với giá dầu đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông giảm nhiệt. Ngoài ra, tuần này còn chứng kiến những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét ở góc độ toàn cầu, nhu cầu dầu đang tăng trưởng yếu do mùa đông ấm hơn bình thường đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm. Bên cạnh đó, khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cũng gây áp lực giảm lên giá dầu. Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng triển vọng lãi suất như vậy đang đặt ra thách thức đối với khả năng hồi phục của nhu cầu tiêu thụ dầu trong nửa sau của năm nay.