11:28 12/03/2007

Chứng khoán toàn cầu chỉ phục hồi trong ngắn hạn?

Nguyễn Thế Nghiệp

Thị trường chứng khoán toàn cầu đang phục hồi sau một tuần giá cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu và châu Á sụt mạnh

Giới phân tích cảnh báo, xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới chỉ là ngắn hạn.
Giới phân tích cảnh báo, xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới chỉ là ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang phục hồi sau một tuần giá cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu và châu Á sụt mạnh.

Các nhà mua bán chứng khoán cho rằng thị trường cổ phiếu châu Á đang tăng giá đã lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư ở Mỹ. Tuy nhiên giới phân tích vẫn cảnh báo xu hướng phục hồi chỉ là ngắn hạn.

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Kazumasa Iwata ngày 7/3 nhận xét sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu chính là kết quả của sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật của các nhà đầu tư từ trước đến nay vẫn chấp nhận những rủi ro thái quá.

Ông nói thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh trong tuần do có những lo ngại về tốc độ tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Mỹ và sự xuống giá mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cơn sốc chứng khoán lần này cũng tương tự cơn sốc chứng khoán toàn cầu vào tháng 5/2006 mà khởi đầu là thị trường chứng khoán Ấn Độ chao đảo.

Trong phiên giao dịch cuối ngày 9/3 chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 68,73 điểm lên 12.276,32 điểm so với 12.207,59 điểm đạt được trong phiên giao dịch ngày 6/3, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán toàn cầu từ ngày 27/2.

Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng đạt 2.387,55 điểm tăng 2,41 điểm so với 2.385,14 điểm trong ngày 6/3 và chỉ số Standard and Poors 500 đạt 1.402,85 điểm tăng 7,44 điểm so với 1.395,41 điểm.

Ba thị trường lớn ở châu Âu đã tăng trở lại. Chỉ số FTSE 100 ở Luân Đôn tăng 1,32% lên 6.138,50 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,97% lên 5.437,13 điểm và chỉ số DAX tại Frankfurk tăng 0,92% lên 6.595 điểm.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 ở Tokyo đã chấm dứt đà sụt giảm trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, tăng 319,54 điểm lên mức 17.164,04 điểm so với 16.844,50 điểm trong phiên giao dịch ngày 6/3.

Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, cho dù lượng cổ phiếu giao dịch còn hạn chế, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 54,87 điểm lên 2.840,18 điểm. Chỉ số KOSP của Hàn Quốc tăng 26,78 điểm lên 1.402,93 điểm. Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) tăng 393,68 điểm lên 19.058 điểm.

Trả lời phỏng vấn trên đài National Public Radio, Bộ trưởng BTài chính Mỹ Henry Paulson đã trấn an giới đầu tư, cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh. Sự bất ổn trên thị trường tài chính hiện nay không phản ảnh những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ.

Ông nói, mặc dù hoạt động của khu vực chế tạo và bất động sản còn yếu, nhưng kinh tế Mỹ vẫn mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm và xuất khẩu tăng. Theo ông 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng vững, có thể đảm bảo cho thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi.

Trái với đánh giá của ông Henry Paulson, kết quả điều tra của hãng tin Reuters và trường Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống chỉ còn 91,3 điểm trong tháng 2/2007, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua và sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 3 này .

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan đã cảnh báo một sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ trong năm nay. Giới phân tích lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong bối cảnh đồng Yên tăng giá có thể gây sức ép lên thị trường Phố Wall.

Những số liệu cho thấy các ngành công nghiệp dịch vụ Mỹ từng chiếm 90% tổng giá trị của nền kinh tế Mỹ đã phát triển chậm lại từ tháng 2 năm nay và sẽ còn tiếp tục phát triển chậm trong những tháng tới.

Theo Asia Times, một trong những nguyên nhân chính làm cho thị trường chứng khoán toàn cầu biến động có nguồn gốc từ chính sách tiền tệ của Mỹ ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Sau thời kỳ công nghệ bùng nổ trong năm 2000, các nhà lập chính sách tiền tệ ở Mỹ đã cho hoạt động tiền tệ chuyển động quá giới hạn. Để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, FED đã giảm lãi suất, giảm thuế.

Các nhà lập chính sách của nhiều quốc gia ở châu Á giữ cho đồng tiền nước mình ở mức thấp giả tạo nhằm hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Mỹ. Những chính sách này đã tạo ra sự tăng chi tiêu cho tiêu dùng dài nhất trong lịch sử Mỹ. Người tiêu dùng tận dụng lãi suất thấp không bình thường để kiếm tiền bằng cách cầm cố nhà cho cuộc chơi đỏ đen cổ phiếu.

Những tuần gần đây, lãi suất tăng lên đáng kể, gây sức ép gia tăng đối với thị trường bất động sản ở Mỹ. Nguồn tiền co lại, lượng tiền đổ vào thị trường nhà đất, chứng khoán, trái phiếu và hàng hoá đắt tiền không còn rủng rỉnh nữa.

Kinh tế Mỹ phát triển chậm lại, đồng USD tiếp tục giảm giá. Để bảo vệ vốn, giới đầu tư thế giới đã tăng đầu tư vào các phương tiện khác, dẫn tới hệ quả đầu tư vào chứng khoán giảm.