10:16 24/04/2009

"Chúng tôi sẽ lo đủ tiền cho kích cầu"

Từ Nguyên

Có nhiều ý kiến đang lo ngại xung quanh việc bảo lãnh cho vay cũng như nguồn vốn đảm bảo chính sách kích cầu

Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB - Ảnh: T. Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB - Ảnh: T. Nguyên.
Các doanh nghiệp không đủ điều kiện tín dụng để vay vốn ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Phát triển (VDB) đứng ra bảo lãnh cho vay. Đó là quyết định đã được Thủ tướng ban hành nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau hơn hai tháng triển khai, số dư nợ từ bảo lãnh của VDB chỉ đạt ở mức khá khiêm tốn. Liệu điều này cũng đồng nghĩa với việc, hoặc thủ tục để được bảo lãnh quá rườm rà, khó khăn cho doanh nghiệp, hoặc là VDB... thiếu tiền?

Tuy nhiên, trả lời báo giới, Tổng giám đốc VDB, ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định, cơ quan này hoàn toàn đủ tiền để triển khai chính sách bảo lãnh vay vốn nhằm kích cầu nền kinh tế  trong năm nay.

Ông Dũng nói:

- Nếu đánh về tình hình bảo lãnh cho doanh nghiệp ngay từ bây giờ thì có thể chưa chính xác, nhưng nhìn chung, VDB đang nỗ lực hết sức và cố gắng tạo mọi điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp có thể tiếp cận được với chính sách bảo lãnh vay vốn của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách kích cầu nền kinh tế.

Đến thời điểm này, VDB đã chấp thuận bảo lãnh khoảng trên 2.000 tỷ đồng và phát hành tự bảo lãnh khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng điều đáng chú ý là số doanh nghiệp được bảo lãnh là những doanh nghiệp khó khăn nhất hiện nay. Còn những doanh nghiệp có đủ điều kiện thì họ tự đến ngân hàng vay, không cần phải bảo lãnh.

Bảo lãnh sẽ tăng gấp đôi

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến việc dư nợ bảo lãnh của VDB đạt thấp trong thời gian qua, thưa ông?

Đó là do doanh nghiệp nợ đọng thuế, có nợ quá hạn thì không được bảo lãnh. Còn về phía ngân hàng thương mại thì điều kiện từ chối bảo lãnh cũng không rõ ràng.

Bên cạnh đó, trước đây, Quyết định 14 của Thủ tướng về bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại vẫn có những vấn đề vướng mắc. Rất may là với Quyết định 60 (ban hành ngày 17/4 vừa rồi) nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong quyết định 14/CP  nên các doanh nghiệp nợ đọng thuế vẫn được bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Tôi dự kiến,với quyết định này, số dư bảo lãnh trong quý 2 ít nhất cũng tăng gấp đôi quý 1.

Nhưng, có thông tin cho rằng, dự nợ thấp là do VDB từ chối khá nhiều trường hợp, đối tượng bảo lãnh, thưa ông?

Không có chuyện đó. Chúng tôi đã và sẽ từ chối bảo lãnh đối với một trường hợp duy nhất, đấy là khi khách hàng được bảo lãnh sử dụng vốn vay sai mục đích và tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay của ngân hàng thương mại dịch chuyển đi mà không đúng cam kết.

Nhưng làm thế nào VDB có thể rà soát được các điều kiện bảo lãnh một cách chính xác, khi mà có rất nhiều doanh nghiệp thiếu trung thực trong chế độ kế toán?

Đúng là có chuyện đó. Hiện nay, có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã vì không bắt buộc phải kiểm toán nên có nhiều vấn đề về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán.

Đây là một rào cản lớn cho VDB mà không dễ giải quyết một sớm một chiều được. Chúng tôi sẽ có những giải pháp, kết hợp với phổ biến tuyên truyền đề hạn chế những khó khăn này.

Nhưng tôi cũng xin lưu ý, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại là một chức năng của VDB từ trước tới nay. Đây là một chức năng lâu dài chứ không chỉ là trong chương trình kích cầu lần này. Trong năm nay, chúng tôi sẽ phấn đấu số dư bảo lãnh khoảng 15.000 tỷ đồng.

Thông thường các nước vẫn tiến hành bảo lãnh cho cả bên bán và bên mua. Tại sao VDB lại chỉ hỗ trợ cho bên bán?

Đúng là Chính phủ có giao trách nhiệm cho VDB hỗ trợ cả đầu mua lẫn đầu bán. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa triển khai được do năng lực sản xuất của chúng ta. Về nguyên tắc, để được hỗ trợ cho đầu mua thì sản phẩm phải có tính trí tuệ cao, chẳng hạn như các máy móc, thiết bị, nếu chúng ta sản xuất được thì VDB sẽ cho vay đối với các nước để nhập các thiết bị của chúng ta.

Vậy, VDB có kế hoạch gì với chính sách kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn sắp tới?

Thực ra, việc hỗ trợ lãi suất là Chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại chứ không phải VDB. Tuy nhiên, VDB vẫn có liên quan vì chúng tôi có rất nhiều dự án đang triển khai ở khu vực này. Chúng tôi sẽ tham gia bảo lãnh vốn vay cho các hợp tác xã, còn cá nhân và doanh nghiệp tư nhân thì chúng tôi không bảo lãnh.

Sẽ có 70.000 tỷ cho kích cầu

Tổng số vốn mà VDB dự kiến sẽ tiêu tốn cho chương trình kích cầu trong năm nay khoảng bao nhiêu, thưa ông?

Hiện nay số tiền mà VDB dự kiến phải đưa ra cho nền kinh tế trong năm 2009 dự kiến khoảng 70.000 tỷ đồng.

Tôi chắc rằng, VDB sẽ lo đủ tiền để đảm bảo chính sách kích cầu của Chính phủ.

Thưa ông, vì sao Chính phủ lại quyết định chỉ bảo lãnh đối với những khoản vay phát sinh trong năm 2009, trong khi phần lớn các doanh nghiệp lại gặp khó khăn, nợ nần vào cuối năm 2008?

Đúng là quyết định này chưa thỏa mãn của doanh nghiệp vì cuối năm 2008 thì kinh tế suy giảm nhanh và doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn. Theo tôi được biết, hiện những đề xuất mở rộng thời hạn cho vay đã được các cơ quan chức năng tổng hợp để đề xuất lên Thủ tướng.

VDB đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện tín dụng. Vậy, trong trường hợp họ không trả được nợ thì thì VDB sẽ giải quyết như thế nào?

Chúng tôi chỉ bảo lãnh cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay chứ không phải bảo lãnh cho những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tức là chúng tôi vẫn thẩm định đầy đủ , chứ không phải là bảo lãnh cho các đơn vị có phương án sản xuất kinh doanh xấu, không hiệu quả.

Còn khi các doanh nghiệp thuộc diện bảo lãnh không trả được nợ thì với chức năng của mình, VDB sẽ đứng ra trả nợ thay cho các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.