Chuyện doanh nghiệp: Đang ăn nên làm ra bỗng “thay tên đổi hiệu”
Những ngày đầu năm 2018 thị trường bất động sản đón nhận thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) sẽ khoác lên mình bộ "cánh mới" TTC Land
Đổi tên thương hiệu không phải là chuyện mới lạ, thậm chí là những thương hiệu đã gắn bó trên thị trường lâu năm cũng không phải chuyện hiếm. Vấn đề là lý do nào khiến doanh nghiệp "thay tên đổi hiệu" ngay cả khi đang "ăn nên làm ra".
Chuyện "thay tên đổi hiệu"
Vài năm trước thị trường từng xôn xao khi những tên tuổi lớn như Vinagame đổi thành VNG, Vincom thành Vingroup, Kinh Đô thành Kido... Đó chỉ là thống kê sơ bộ, thời gian qua cũng chứng kiến một số doanh nghiệp "thay tên đổi hiệu" - đó không chỉ là đổi tên đơn thuần.
Một trong những cuộc đổi tên thu hút dư luận là việc Kinh Đô đổi thành Kido vào 10/2015 sau khi bán lại mảng bánh kẹo cho Mondelēz International (Mỹ). Đáng chú ý là vì Kinh Đô là thương hiệu mà doanh nghiệp này đã dày công tạo dựng hơn 20 năm.
Theo các chuyên gia về phát triển thương hiệu thì hầu hết những cuộc "lột xác" thương hiệu đều xảy ra khi doanh nghiệp muốn tái định vị lại thương hiệu. Ứng với những lần thay đổi đó, doanh nghiệp chuyển tải một thông điệp mới cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Những ngày đầu năm 2018 thị trường bất động sản đón nhận thông tin Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) sẽ khoác lên mình bộ "cánh mới" TTC Land. Bằng chứng là trên các công trình, dự án, văn phòng giao dịch… đều đã thay đổi từ Sacomreal sang TTC Land. Đây là một tin khá bất ngờ khi Sacomeal là thương hiệu uy tín với kinh nghiệm khá lâu năm trên thị trường.
Việc thay đổi thương hiệu của một doanh nghiệp dù thành công đến mấy đến một thời điểm nhất định cũng cần có sự thay đổi dù là nhỏ, để phù hợp với chiến lược phát triển. Đó có thể là thời điểm doanh nghiệp nhận ra hệ thống nhận diện thương hiệu đang sử dụng không còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp cần làm mới thương hiệu, tái định vị lại thương hiệu thì việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu là một điều tất yếu, thể hiện tính chiến lược lâu dài.
Bình mới rượu phải … mới
Có thể nói việc chuyển đổi thương hiệu của doanh nghiệp hoàn toàn không phải là việc làm đơn giản. Ngoài việc làm sao để khách hàng "quên" đi tên gọi cũ vốn đã khó thì làm sao để khách hàng nhớ đến thương hiệu mới mà không cần nhắc nhớ lại là một việc làm khó hơn bội phần, nên câu chuyện tái xây dựng thương hiệu doanh nghiệp luôn là một công việc vất vả nhưng rất thú vị với những người yêu marketing.
Đối với Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, trước đây doanh nghiệp này chỉ đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản Dân dụng (nhà ở) nhưng thời gian gần đây công ty đã mạnh mẽ, mở rộng lĩnh vực và quy mô của mình trong ngành bất động sản sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại - cho thuê, bất động sản Khu công nghiệp - Logictis và dịch vụ.
Các con số thống kê về TTC Land chưa cụ thể cho thấy, tổng tài sản doanh nghiệp này gần 17.000 tỷ đồng, quỹ đất sạch hơn 2000 ha đủ để công ty phát triển trong vòng 15 năm tới. Được biết, quy mô hoạt động của TTC Land không chỉ gói gọn tại khu vực phía Nam như trước đây mà công ty này sẽ mở rộng hoạt động đầu tư của mình khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Trở lại với câu chuyện thay đổi thương hiệu, trước khi "khoác bộ cánh mới", doanh nghiệp có sẵn trong tay một chiến lược hướng tới các mục tiêu dài hạn để tránh mắc phải các sai lầm. Hơn nữa, việc làm mới thương hiệu không chỉ đơn thuần là đổi logo, slogan, bao bì sản phẩm mà đằng sau đó phải là một cam kết mới, đáp ứng tốt hơn mong đợi của khách hàng và đối tác.
Liệu chuyển đổi sang thương hiệu mới có giúp TTC Land "tỏa sáng" hay không vẫn còn chờ tương lai. Tuy nhiên, với những thay đổi mang tính sống còn và quyết liệt, dám bước ra khỏi giới hạn, vùng an toàn của mình, không ít nhà đầu tư, khách hàng kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ làm nên chuyện.