17:13 29/11/2022

Chuyên gia đưa ra 7 đề xuất đối với thị trường mua bán nợ

Hoàng Lan

Quy mô của thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… vẫn còn rất khiêm tốn. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên sớm có lộ trình cải cách hành lang pháp lý để thị trường này phát triển tương ứng với tiềm năng.

Toạ đàm Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Toạ đàm Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Tại Tọa đàm Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam ngày 29/11 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, các chuyên gia nhận định khung pháp lý cho thị trường này mới chỉ có một phần, chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ.

THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ CÒN SƠ KHAI

Phát biểu tại sự kiện, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

 

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 986/QĐ-TTg(18/8/2018) của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu đưa “Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3% vào năm 2025”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Anh, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Thứ nhất, khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu.

Thứ hai, thị trường chưa thu hút được đa dạng thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít.

Thứ ba, hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng.

Thứ năm, kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường.

Thứ sáu là hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Đi sâu vào phân tích khuôn khổ pháp lý, TS. Cấn Văn Lực cho biết hiện tại pháp luật chỉ cho phép 2 phương thức mua bán nợ là đàm phán trực tiếp và đấu giá. Điều này dẫn tới thiếu cơ sở định giá khoản vay và thiếu các cơ chế về công khai thông tin. Liên quan đến chủ thể tham gia mua bán nợ hiện nay là VAMC, DATC, AMC tại các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức khác tham gia mua bán nợ xấu nhưng không quy định chi tiết về kế thừa quyền, nghĩa vụ đối với tài sản bảo đảm khi tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng.

Theo ông Lực, điều này đã hạn chế chủ thể tham gia thị trường. Ngoài ra, thị trường mua bán nợ của Việt Nam hiện cũng rất thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp, định giá tài sản độc lập, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty chứng khoán... và thị trường thứ cấp hầu như chưa có.

7 ĐỀ XUẤT CHO THỊ TRƯỜNG MUA BÁN NỢ

Tại toạ đàm, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra 7 kiến nghị đối với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là nghị định về thị trường mua – bán nợ. Về lâu dài có thể xây dựng luật theo hướng:  Bổ sung các chủ thể tham gia thị trường (tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng; nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước...). Mở rộng phương thức mua-bán nợ (cho phép chứng khoán hóa). Luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới. 

 

“Quá trình hoạt động đã bộc lộ không ít tồn tại, thách thức về khuôn khổ pháp lý cũng như công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường mua bán nợ; các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ còn ít; hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý”, Chủ tịch HĐTV VAMC, ông Nguyễn Tiến Đông.

Thứ hai, lưu ý nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân (gồm cả nhà đầu tư nước ngoài) khi sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Thứ ba là đưa ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường: cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua-bán nợ (dạng như LSTA của Mỹ...); tổ chức nhận ủy thác (trustees) cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới..

Thứ tư, phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản (nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp).

Thứ năm, phát triển hạ tầng tài chính (thông tin - dữ liệu, kế toán, kiểm toán, thanh toán bù trừ, định hạng tín nhiệm...).

Thứ sáu, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ bảy, tăng năng lực tài chính cho VAMC. Theo Nghị quyết 42 năm 2018, vốn điều lệ của VAMC là 5.000 tỷ đồng; năm 2020 vốn điều lệ nâng lên 10.000 tỷ đồng.