CMC Telecom - ISP duy nhất có cổ đông ngoại gặt hái được gì sau 15 năm?
Ra đời sau nhưng nhờ xác định một hướng đi hoàn toàn khác biệt, CMC Telecom là ISP duy nhất tại Việt Nam “bắt tay" với công ty viễn thông hàng đầu Đông Nam Á để nâng tầm dịch vụ chuẩn quốc tế, mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng tại Việt Nam và các nước trong khu vực...
Khi Việt Nam trong “bão” sự cố cáp quang biển đầu năm 2023, vẫn có những doanh nghiệp nằm ngoài tác động này, hoạt động ổn định trên một đường truyền Internet tốc độ cao. Đó chính là những khách hàng của CMC Telecom, đơn vị sở hữu mạng đường trục CVCS duy nhất kết nối trực tiếp với mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á (A Grid).
Ít ai biết, kết quả này có được là nhờ một quyết định táo bạo của CMC Telecom 8 năm trước. Nhà mạng này trở thành ISP đầu tiên tại Việt Nam có cổ đông ngoại. Đó là Time DotCOM, nhà mạng tư nhân lớn nhất Malaysia, đồng thời nằm trong tay nhiều tuyến cáp quang, trong đó có mạng liên Á A Grid. Chiến lược kết nối “Châu Á - Thế giới - Châu Á” của Time DotCom lúc này đã phát huy tác dụng, giúp CMC Telecom giữ liên lạc với thế giới cho các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn sự cố cáp biển trầm trọng vừa qua.
Chiến lược chọn cổ đông ngoại là TIME cũng đồng thời đưa công ty có những bước phát triển mạnh mẽ sau 15 năm thành lập. Từ một nhà mạng non trẻ, nay đã chuyển mình trở thành một nhà cung cấp dịch vụ hội tụ, cung cấp Hạ tầng số, kết hợp Viễn thông - Công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực.
QUYẾT ĐỊNH CHỌN ĐỐI TÁC NGOẠI
Nhớ lại quyết định hợp tác vào năm 2015 ấy, ông Đặng Tùng Sơn, P.TGD/ GD Kinh doanh và Marketing CMC Telecom, vẫn gọi đây là một trong những bước ngoặt mang tính lịch sử của công ty.
Thị trường trước đó không hiếm các thương vụ đầu tư của nhà mạng nước ngoài, từ Nhật Bản (KDDI, Mitsui), Hàn Quốc (SK Telecom), Hồng Kông (Hutchison Telecom) hay Đài Loan (Chunghwa Telecom) vào nhà mạng Việt, nhưng đều không mấy thành công. Tuy nhiên sự đồng điệu về mặt chiến lược đã mang lại thành công cho cái “bắt tay xuyên Á" của CMC Telecom và TIME.
Đứng trước thách thức của một nhà mạng non trẻ, nhưng mang tham vọng cung cấp những dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tiêu chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp tại Việt Nam, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành CMC Telecom khi ấy xác định rõ bước đi chiến lược đầu tiên phải là xây dựng các tuyến cáp viễn thông trong nước và tạo dựng được mạng lưới viễn thông quốc tế.
TIME dotCom Berhad (TIME) là đối tác mà CMC lựa chọn tiếp cận. Nhà mạng được thành lập năm 1996 tại Malaysia đã nhanh chóng vươn lên là nhà mạng lớn thứ hai tại nước này, dần vươn ra khu vực, với giá trị vốn hoá 2 tỷ USD. Đây cũng là nhà mạng tư nhân dẫn đầu thị trường với thế mạnh từ việc đầu tư từ rất sớm hạ tầng cáp quang biển hàng trăm triệu USD như UNITY, Asia Pacific Gateway (APG), Asia-Africa-Europe-1 (AAE-1) và FASTER cho phép kết nối liền mạch châu Á thế giới.
“Nếu hợp tác, cả hai sẽ có thể chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển về công nghệ, dịch vụ, sản phẩm, phát triển thị trường đặc biệt là kết nối mạng lưới hạ tầng viễn thông thế giới và cùng nhau khai thác tập khách hàng trong nước cũng như quốc tế”, ông Sơn nhớ lại.
Sau hơn một năm tìm hiểu về nhau, tháng 5/2015, lễ ký kết diễn ra, đánh dấu lần đầu tiên một ISP Việt Nam có cổ đông ngoại.
QUẢ NGỌT SAU 15 NĂM “GÂY DỰNG CƠ ĐỒ”
Trái với những nghi ngại ban đầu của giới quan sát khi ấy, liên minh CMC Telecom và TIME dotCom đã chứng minh sự thành công ngay sau năm đầu tiên.
Năm 2016, khi tuyến cáp APG bắt đầu được các nhà mạng Việt Nam khai thác. Ở vị thế một nhà mạng mới, CMC Telecom ghi danh là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam khai thác tuyến cáp này, với khả năng cung cấp băng thông 54Tb/s, mang lại tốc độ Internet nhanh hơn gần 20 lần so với cáp biển AAG cũ.
Xác định rõ hạ tầng kết nối là “mạch máu” quyết định sự thành công trong chiến lược về chuyển đổi số, CMC Telecom đã tiếp tục mở rộng và nâng cấp hạ tầng kết nối cả trong và ngoài nước.
Cuối năm 2017, đơn vị này chính thức đưa vào vận hành cáp đường trục xuyên Việt (Cross Vietnam Cable System - CVCS). Với tổng chiều dài hơn 2.500 km (từ Lạng Sơn đến Tây Ninh) tuyến cáp đi qua 19 tỉnh thành trên cả nước có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á (A Grid).
Đến tháng 7/2018, CMC Telecom trở thành một trong ba công ty đầu tiên trên thế giới đạt được chứng chỉ MEF 3.0 - tiêu chuẩn cho dịch vụ kết nối Ethernet giữa các nhà mạng quốc tế tiên tiến nhất hiện nay. Thành tựu này là minh chứng cho khả năng của CMC Telecom trong việc cung cấp các dịch vụ kết nối với chất lượng cao nhất thị trường, dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu.
Trong báo cáo thường niên năm 2022 của Time DotCOM, CMC Telecom được nhắc đến ngay trong những trang đầu, như một trong hai đối tác quan trọng của tập đoàn này tại Đông Nam Á, với doanh thu tăng trưởng liên tục. Theo báo cáo tài chính của CMC Telecom, doanh thu công ty tăng từ 830 tỷ năm 2015, lên hơn 300%, đạt 2.500 tỷ vào năm tài chính 2022. Ba năm vừa qua, công ty luôn có mức tăng trưởng kép trên 25% và hiện đạt mức doanh thu khoảng 3.000 tỷ, đóng góp 60% lợi nhuận của tập đoàn.
Đánh giá về những thành tựu đạt được, theo ông Sơn, có sự đóng góp quan trọng từ TIME. Hai đơn vị đều là doanh nghiệp tư nhân, hiểu được thách thức của thị trường viễn thông khu vực. Và ngay từ khi thành lập, hai công ty cũng cùng hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp, đặc biệt là nhóm khách hàng Tài chính – Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia.
“Khi hợp tác với một công ty nước ngoài, chúng tôi học được cách thức cung cấp dịch vụ với chất lượng quốc tế thông qua việc đào tạo và sở hữu các chứng chỉ của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới”, ông Sơn nói.
Cùng với đó, chiến lược tiếp cận thị trường khác biệt “deep-dive” - đánh sâu vào tập khách hàng trọng tâm cũng giúp CMC Telecom có hiểu biết sâu sắc về khách hàng, các nghiệp vụ đặc thù của họ để cung cấp những giải pháp, dịch vụ tối ưu nhất.
Tính đến giữa năm 2023, các thống kê cho thấy CMC Telecom đang dẫn đầu về thị trường Hạ tầng số, với việc được sử dụng bởi 100% ngân hàng tại Việt Nam - nhóm khách hàng được đánh giá là khó tính và có yêu cầu khắt khe nhất. Ngoài ra, 50% doanh nghiệp trong Top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới của Forbes cũng đang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp Việt này.
Khi CMC Telecom mở rộng sang mảng Data Center và Cloud, công ty trở thành đối tác đầu tiên được các ông lớn như AWS, Google hay Microsoft chọn lựa khi bước vào thị trường Việt, đồng thời xây dựng thành công nền tảng Multi-Cloud đầu tiên tại thị trường trong nước. Đơn vị này cũng tự phát triển nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud, trở thành dịch vụ Cloud nội địa hàng đầu Việt Nam, nắm giữ hơn 25% thị phần tính đến giữa năm 2023.
Cùng với việc khai trương Data Center Tân Thuận, trung tâm dữ liệu hiện đại và an toàn nhất Việt Nam vào tháng 8/2021, CMC Telecom đã trở thành nhà cung cấp hạ tầng số hàng đầu, cung cấp cho doanh nghiệp những sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số với hạ tầng số hiện đại và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, công nghệ an toàn an ninh thông tin tin cậy nhất.
Các giải thưởng như: Top 10 nhà cung cấp giải pháp hạ tầng số hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương 2022 của APAC CIO Outlook, Nhà cung cấp dịch vụ cloud sáng tạo nhất 2020 tại IFM là những minh chứng cho thành công của ISP duy nhất có cổ đông ngoại này. Tại lễ trao giải Asian Telecom Awards 2023 mới đây, CMC Telecom cũng là đại diện Việt Nam duy nhất giành hai giải thưởng danh giá về Cloud sáng tạo của năm và Hạ tầng sáng tạo của năm.
Về tầm nhìn cho tương lai, ông Đặng Tùng Sơn - Phó Tổng giám đốc/Giám đốc Kinh doanh và Marketing của CMC Telecom khẳng định: “Trong 4-5 năm tới, CMC Telecom sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 25-30% và đạt ngưỡng doanh thu 8.000 tỷ. Đây là một thách thức nhưng với chiến lược đúng đắn và đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, có khát vọng mạnh mẽ chúng tôi tin rằng đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi”.