Có 67 trạm BOT đang thu phí trên cả nước
Có tổng cộng 67 trạm thu phí BOT đang hoạt động trên cả nước, theo thống kê từ Vụ Đối tác công - tư - Bộ Giao thông Vận tải
Theo thông tin từ Vụ Đối tác công - tư (PPP), hiện cả nước có 88 trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 73 trạm, gồm 56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. UBND các tỉnh quản lý 15 trạm gồm 11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.
Như vậy, hiện cả nước đang có 67 trạm thu phí BOT đang hoạt động và 21 trạm chưa thu phí.
Từ tháng 4/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án trước khi quyết toán để quản lý chặt chẽ chi phí. Đã có 108 kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán. Trên cơ sở các kết quả thanh tra, kiểm toán, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và quyết toán một phần hoặc toàn bộ chi phí 54 dự án BOT, BT, với giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 20%.
Đối với các dự án BOT kế hoạch xây dựng trên đường hiện hữu, từ năm 2016 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, chủ động dừng thực hiện 13 dự án BOT, gồm 11 dự án đường bộ trên đường hiện hữu và hai dự án đường thủy do không phù hợp định hướng đầu tư các dự án BOT theo Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 quy định: Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện nay.
Những dự án BOT Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng triển khai chẳng hạn như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Tp.Bắc Giang - Chũ theo hình thức BOT. Đề xuất dừng dự án BOT Quốc lộ 53 Vĩnh Long - Trà Vinh; dừng dự án BOT Quốc lộ 30...
Đối với những dự án này, Bộ Giao thông Vận tải chuyển hướng sang đầu tư bằng hình thức mới như đầu tư bằng ngân sách nhà nước, xây con đường mới song song đường hiện hữu đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 437.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, việc dừng các dự án BOT chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi khi mà vốn ngân sách cho đầu tư công rất hạn chế. Nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2016-2020 cần khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến chỉ cân đối được khoảng 11%.