10:10 14/03/2014

Có hiệu quả khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có gas?

Đào Nga

Ý kiến trái chiều về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt có gas không cồn

Nước ngọt có gas không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử 
dụng rộng rãi, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi
 nào về giá có thể gây chuyển biến mạnh về cầu.
Nước ngọt có gas không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi nào về giá có thể gây chuyển biến mạnh về cầu.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều phía sau khi được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến góp ý của dư luận.

Tuy nhiên, bên cạnh một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách và định hướng lại thói quen tiêu dùng của người dân, dự thảo cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó đáng kể nhất là những ý kiến trái chiều về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt có gas không cồn.

Chưa đồng thuận


Trong dự thảo nêu lý do khiến nước ngọt có gas phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là bởi mặt hàng này được cảnh báo có ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng như bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch, mỡ máu, bệnh gút và tăng nguy cơ bị ung thư.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học trên thế giới và một thông báo kết luận của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 3/12/2013 cũng đã chỉ ra những quan điểm không đồng thuận với viện dẫn trên của Bộ Tài chính.

Cụ thể là về nguyên nhân gây béo phì. Trái của với luận điểm Bộ Tài chính, trong thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng gas tạo ra cảm giác no và do đó giảm được lượng thức ăn vào cơ thể một cách đáng kể.

Trong một thông báo nói trên, Cục An toàn Thực phẩm đã khẳng định chất tạo màu caramel (4-methylimidazole) trong các sản phẩm đồ uống là an toàn và phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Anh (British Journal of Nutrition), số ra ngày 17/12/2007, cho thấy tăng mức độ gas trong thức uống làm tăng cảm giác no và giảm lượng calo hấp thu vào sau đó. Theo tạp chí này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, "so với nước giải khát có ít gas, việc tiêu thụ nước giải khát có lượng gas vừa và cao tạo ra cảm giác no hơn cho đến tận bữa trưa, khi đó lượng thức ăn và nước uống đưa vào cơ thể ít hơn một cách đáng kể".

Trong một nghiên cứu độc lập khác của Đại học Iowa, Hoa Kỳ được đăng tải trên website ngày 1/5/2004 cũng cho rằng nhiều người cảm thấy no nhanh hơn và kết quả là tiêu thụ một lượng ít hơn khi uống nước giải khát có gas so với khi uống các nước giải khát không có ga.

Tăng thu ngân sách?


Sự thay đổi mạnh về lựa chọn của người tiêu dùng còn tác động trực tiếp tới mức thu của một loạt các loại thuế khác liên quan đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp và nhà sản xuất. Bởi trong trường hợp mức tiêu thụ nước ngọt có gas không cồn giảm, doanh thu của các bên nói trên sẽ giảm và kéo theo đó là hụt nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nếu tác động môi trường, y tế, an ninh xã hội của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga không được chứng minh; khoản thu ngân sách nhà nước bị thâm hụt sẽ trở nên vô nghĩa. Nói cách khác, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas chưa chắc đã thực sự tăng thu ngân sách.

Chưa dừng lại ở đó, việc hụt nguồn thu ngân sách còn có thể phát sinh từ sự khác biệt giữa hệ thống thuế giữa các quốc gia láng giềng trong cùng một cộng đồng kinh tế.

Tại một số nước trong Liên minh Châu Âu (EU) có áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát không cồn, trong đó có nước ngọt có gas, như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, các chuyên gia kinh tế chứng kiến sự dịch chuyển rất rõ của mức tiêu thụ mặt hàng chịu thuế từ các nước này sang các nước láng giềng.

Cụ thể, người dân các nước nói trên đã sang các nước láng giềng để mua nước ngọt có gas (không bị đánh thuế) với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Hiện tượng này đã giáng một đòn nặng nề đến doanh thu quốc dân của Đan Mạch. Kết quả là nước này cùng với Hà Lan đã bắt đầu lộ trình xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước giải khát không cồn từ năm 2013.

Trong khi đó Pháp - nước có ngành công nghiệp nước giải khát đang rơi tự do kể từ khi loại thuế này được áp dụng trong những năm gần đây - hiện chưa có động thái gì. Trong khi đó, Bỉ đã bác bỏ dự thảo điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas vào cuối năm 2013, sau một thời gian cân nhắc.

Định hướng tiêu dùng khó đạt

Hàng xa xỉ phẩm phục vụ nhu cầu của một nhóm nhỏ, thường có thu nhập cao và khi thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại hàng hóa dịch vụ này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể.

Trong khi đó, nước ngọt có gas không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, đặc biệt là người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi nào về giá có thể gây chuyển biến mạnh về cầu.

Từ đó, người tiêu dùng với mức thu nhập trung bình trở xuống sẽ chuyển sang mua những mặt hàng thay thế, mà cụ thể sẽ sử dụng nước ngọt không có gas. Nếu trường hợp này xảy ra, lập luận bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ bị lung lay đáng kể bởi hàm lượng đường trong các loại nước ngọt không có gas trên thực tế lại không hề thua kém nước ngọt có gas, thậm chí còn cao hơn (theo một nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Harvard - Mỹ hồi tháng 4/2009).

Trong khi về bản chất, nguy cơ gây béo phì do đường chính là một trong những đích ngắm của quyết tâm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của các nhà làm luật.