19:02 04/06/2024

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Halal

Xuân Nghi

Chỉ riêng mảng thực phẩm, Halal là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 ngàn tỷ USD vào năm 2030. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung mở rộng thị trường sang các nước Hồi giáo...

Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal tại số 15 – 17 Phan Chu Trinh, P. Bến Thành, Q.1, TPHCM để phục vụ cộng đồng Hồi giáo. Ảnh: Minh Sĩ.
Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal tại số 15 – 17 Phan Chu Trinh, P. Bến Thành, Q.1, TPHCM để phục vụ cộng đồng Hồi giáo. Ảnh: Minh Sĩ.

Halal là thị trường dành cho người Hồi giáo, có tiềm năng rất lớn về quy mô, dân số với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 6%. Cộng đồng người Hồi giáo hiện nay trên thế giới khoảng hơn 1,8 tỷ người.

Ngành công nghiệp Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản... Ngành công nghiệp này ngày càng phát triển, và đây là cơ hội để các sản phẩm của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết trong năm 2024, ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường Châu Á, Trung Đông và Châu Phi.

Các xu hướng Halal năm nay sẽ góp phần định hình lại môi trường kinh doanh Halal toàn cầu, tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới. Xu hướng xây dựng chuỗi giá trị Halal hiện nay là thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal.

Cụ thể, theo ông Chánh, các tiêu chuẩn Halal cần được mở rộng kiểm soát từ nguồn gốc, xuất xứ đến nơi người tiêu dùng mua hàng như các nhà bán lẻ, nhà hàng, mua sắm trực tuyến. Doanh nghiệp và bên cung ứng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal; xây dựng lộ trình thực tế để triển khai chuỗi giá trị Halal.

TP.HCM với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, sức lan tỏa của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh.

Thành phố cũng cần chú trọng nghiên cứu thực hiện các chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững.

Tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” diễn ra vào cuối tuần qua, do ITPC phối hợp Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM và Cục Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) tổ chức tại TP.HCM, Tổng lãng sự Malaysia tại TP.HCM Firdauz Othman, cho biết thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới.

Theo ông Firdauz Othman, dựa vào Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIE), dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người năm 2017 lên con số 3 tỷ vào năm 2060. Thị trường khổng lồ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí.

"Hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh và an toàn. Việc này đã mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal", ông Firdauz Othman nhận định. Các mặt hàng Việt Nam - Malaysia trao đổi nhiều nhất thời gian qua là hàng điện và điện tử, xăng dầu, hóa chất, kim loại và nông sản.

Việt Nam và Malaysia còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Malaysia với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 7,2 tỷ USD thì đến năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia đã tăng lên 12,67 tỷ USD.

Hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Con số này được nhận định là vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và triển vọng hợp tác rất lớn của hai nước.

Malaysia là một trong những thị trường nhập khẩu có tiềm năng rất lớn của Việt Nam tại khu vực ASEAN. Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Malaysia đạt 4,9 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 1,6 tỷ USD.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Malaysia bao gồm máy móc thiết bị và phụ tùng; máy vi tính; điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu, hóa chất...

Năm 2023, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đạt hơn 442 triệu USD với gần 700 dự án, xếp thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2024 sang thị trường Malaysia ước đạt gần 179 triệu USD, tăng 77% so cùng kỳ năm 2023. Tính đến cuối tháng 3/2024, Malaysia đã có hơn 340 dự án đầu tư vào TP.HCM với tổng số vốn 4,9 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM.

Riêng khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm Halal. Số dân theo đạo Hồi tại các khu vực này khoảng 860 triệu người.