10:04 10/08/2021

Cơ hội để doanh nghiệp Việt hợp tác với doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ

Thu Hà

Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số sắp có cơ hội tìm hiểu, hợp tác với các doanh nghiệp nói tiếng Pháp vào tháng 10 tới...

Các hoạt động của đoàn bao gồm: diễn đàn đối thoại cấp cao với đại diện các bộ, ban ngành. Gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp với đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các hoạt động của đoàn bao gồm: diễn đàn đối thoại cấp cao với đại diện các bộ, ban ngành. Gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp với đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bởi Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) dự kiến sẽ tổ chức một đoàn 70 doanh nghiệp từ các nước thành viên OIF tới Việt Nam và Campuchia để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, tiếp xúc doanh nghiệp trong tháng 10 tới. 70 doanh nghiệp và đại diện đến từ các cơ quan tổ chức đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, vùng Ca-ri-bê và Ấn Độ Dương.

Đoàn dự kiến khảo sát thị trường, tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh, đầu tư và kết nối với hơn 350 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số, logistics và tài chính...

Đoàn dự kiến sẽ tới Tp.HCM từ ngày 11 đến 13/10/2021 và Hà Nội từ ngày 14 đến 16/10/2021 do bà Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo dẫn đầu.

Các hoạt động của đoàn bao gồm: diễn đàn đối thoại cấp cao với đại diện các bộ, ban ngành. Gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp với đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gặp gỡ giữa các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các nước Pháp ngữ. Thăm doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức theo nhu cầu...

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau kết nối và tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nói tiếng Pháp, thành viên của tổ chức này.

Tại Việt Nam, hoạt động này được Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ bao gồm 88 nhà nước và chính phủ thành viên thuộc 5 châu lục, chiếm 14% dân số thế giới, 16% tổng sản phẩm quốc dân thế giới và 20% giá trị trao đổi hàng hóa toàn cầu. Hiện tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc tế được sử dụng nhiều thứ 3 trong kinh doanh và thứ 4 trên Internet. Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ từ năm 1970.

Thực tế, dịch Covid-19 đã gây nhiều hậu quả kinh tế xã hội nặng nề trên thế giới và Việt Nam. Song Việt Nam thuộc số ít các quốc gia vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 (2,9%, theo IMF), trong khi đó tăng trưởng của Campuchia bị suy giảm mạnh (-3,5%, theo IMF). Tuy nhiên, theo IMF, nền kinh tế của hai quốc gia này sẽ bật tăng trở lại trong năm 2021 và dự kiến đạt mức 6,5% ở Việt Nam và 4,2% ở Campuchia.

Việt Nam và Campuchia đang có lợi thế gặt hái thành quả từ việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế (mới nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP), cũng như đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế. Nhờ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đang có nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam và Campuchia trong nhiều lĩnh vực giàu tiềm năng tạo lợi nhuận, giá trị thặng dư và việc làm cho thanh niên và phụ nữ.

Sở dĩ đoàn các doanh nghiệp đến từ các quốc gia nói tiếng pháp nêu trên muốn xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam vì hiện chúng ta có các lợi thế như: đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, đứng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê (đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta), đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu.

Thêm nữa hiện lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chiếm 26% tổng công suất lắp đặt nguồn năm 2020 (69GW) của Việt Nam. Trong đó điện mặt trời chiếm 24%, điện gió 1% và điện sinh khối 1%. Công suất lắp đặt điện mặt trời tăng gần gấp 4 lần trong vòng 1 năm qua, từ 4,7GW năm 2019 lên 16,7GW năm 2020. Đến tháng 1-2021, tổng công suất các dự án đã vận hành và đăng ký theo Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia 7 sửa đổi (PDP7) đạt 180 GW và vượt xa dự kiến trong cơ cấu nguồn 2045 (121 GW).

Theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Ngày 16-4-2021, Việt Nam đã khánh thành tổ hợp điện gió và điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á của tập đoàn Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận: công suất đạt 1 tỉ kWh/năm, trên diện tích rộng 900 héc ta.

Về lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số, Việt Nam có quy mô thị trường đạt 14 tỷ USD năm 2020, chiếm 5% GDP, tăng 16% so với năm 2019; thương mại điện tử tăng 46%; người sử dụng mới chiếm 41% tổng thuê bao Internet (64 triệu - tỉ lệ cao nhất Đông Nam Á).

Kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2016-2019 ở châu Á-Thái Bình Dương (38%/năm). Theo nghiên cứu của GSMA Intelligence, đến năm 2025, Việt Nam sẽ phủ sóng 5G đến 5% thuê bao di động. Quy mô thị trường ước đạt 43 tỷ USD năm 2025, chiếm 18% thị phần Đông Nam Á. Trong chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% trong tổng GDP của cả nước.

* Thông tin chi tiết:

Ban Quan hệ quốc tế, Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam
Điện thoại: 024.35742022 ext 245/203 (chị Châu)
Email: chautltm@vcci.com.vn
Tổ chức quốc tế Pháp Ngữ, văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Điện thoại :(+84 24) 35 73 52 45/0932376777 (chị Hương)
Email: huong.repap@gmail.com
link: https://forms.gle/v3uYrsHryqAecVK99