15:00 13/03/2014

Cổ phần hóa Cienco 5: “Thời nay không còn ăn xổi ở thì”

Từ Nguyên

Chủ tịch Cienco 5 khẳng định sẽ hành động để chứng minh việc chọn ông vào ghế nóng của doanh nghiệp này là đúng đắn

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 5 Bạch Ngọc Du.<br>
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 5 Bạch Ngọc Du.<br>
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đang đứng trước một bước ngoặt. Đó là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 24/3 tới.

Trước thời điểm IPO, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 5 Bạch Ngọc Du nhìn lại một yếu tố được ông cho là "may mắn trong thời khắc mang tính quyết định" của doanh nghiệp này.

Trò chuyện với VnEconomy, ông Du nói:

- Quá trình chuẩn bị cổ phần hoá của Cienco 5 nhận được sự chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt, có thể khẳng định, nếu không có sự quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, thì không thể đảm bảo đúng tiến độ việc cổ phần hoá các doanh nghiệp trong ngành.

Chúng tôi luôn xác định và ý thức được rằng, nếu không quyết liệt thì sẽ lỡ mất cơ hội và cũng ảnh hưởng đến uy tín chính trị của lãnh đạo doanh nghiệp. Đề án cổ phần hoá của Tổng công ty hiện đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cơ hội lớn


Các ông có xem việc cổ phần hoá như là vấn đề sống còn đối với Tổng công ty?


Sống còn thì không hẳn, nhưng chúng tôi xem đó là cơ hội rất lớn. Cienco 5 trong thời gian qua là một thương hiệu khá mạnh, nên khi chuyển đổi sang cổ phần hoá càng có cơ hội để bứt phá.

Trong quá trình cổ phần hoá, những hạn chế của doanh nghiệp sẽ được bộc lộ ra hết, nên cổ phần hoá sẽ là cơ hội để khắc phục nhược điểm.

Bài toán đặt ra là nếu không cổ phần hoá được ở thời điểm này thì đến một lúc nào đó cũng phải quyết liệt, gấp rút thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Cho nên, nếu doanh nghiệp được đốc thúc ngay từ đầu thì sẽ có nhiều lợi thế hơn. Người ta vẫn thường nói, người đi trước là những người khôn ngoan hơn.

Tình hình nợ nần của Cienco 5 hiện như thế nào trước thời điểm cổ phần hoá?


Khoảng 10 năm trước đây là giai đoạn mà các đơn vị trong ngành giao thông bị thua lỗ do đấu thầu giá thấp, năng lực thi công thì yếu, Cienco 5 cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, tình hình đang có những khởi sắc.

Cienco 5 cũng như một số doanh nghiệp khác trong ngành giao thông có vướng mắc liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hoá công ty mẹ, chúng tôi cũng đã tiến hành xong việc cổ phần hoá gần như cơ bản trong số 42 đơn vị thành viên, sau đó cuối cùng mới là công ty mẹ - tổng công ty.

Đây là một cách lành mạnh hoá tài chính cho công ty mẹ và tổng công ty. Chính vì vậy, đến thời điểm này, có thể nói rằng Cienco 5 là một trong những đơn vị có dư nợ ngân hàng lành mạnh nhất của ngành giao thông.

Đầu tư bất động sản ở mức “hợp lý nhất”


Lợi nhuận từ các công trình giao thông thường được cho là khá thấp. Liệu điều này có đảm bảo cho một tương lai tài chính lành mạnh cho Cienco 5?


Đúng là tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư dự án, công trình giao thông là thấp, nhưng nếu như doanh nghiệp có nhiều công ăn việc làm, có đổi mới về công nghệ, công tác quản lý, biện pháp tổ chức thi công  tốt, rút ngắn tiến độ thi công… thì những điều đó sẽ làm tăng lợi nhuận.

Thời nay không còn tư tưởng ăn xổi ở thì, nghĩa là cứ phải công trình lớn, nhiều tiền mới làm, mà phải tích luỹ dần qua mỗi công trình để có một lợi nhuận ổn định, tăng trưởng đều.

Còn mảng bất động sản, Cienco 5 có tiếp tục theo đuổi?


Cienco 5 hiện có những dự án bất động sản đã, đang và sắp triển khai. Chúng tôi sẽ lựa chọn đầu tư ở mức độ hợp lý nhất căn cứ vào đánh giá cẩn trọng nhu cầu của thị trường. Khi sang mô hình cổ phần càng có thêm tính linh hoạt và cơ hội để hợp tác với các đối tác khác trong và ngoài nước.

Đặc biệt, chúng tôi xác định, khi cổ phần hoá thì nhà nước không chi phối để giúp doanh nghiệp tự chủ trong nhiều hoạt động của mình, như chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Chẳng hạn mới đây, Cienco 5 chúng tôi được Bộ Giao thông Srilanka thông qua Đại sứ quán tại Việt Nam có liên hệ gửi thư mời sang hợp tác làm tư vấn giám sát và thi công công trình bên nước họ. Như vậy, với mô hình cổ phần, chúng tôi sẽ tự chủ động hơn là chờ xin ý kiến chấp thuận của Bộ chủ quản như trước đây.

Các ông đã tìm được đối tác chiến lược?


Hiện có hai đối tác chiến lược đăng ký mua hết lượng cổ phần được bán theo quy định, bản thân hai đối tác chiến lược cũng phải tiến hành đấu giá với nhau để mua cổ phần của Cienco 5.

“Tôi tự biết phải làm gì”


Ông có áp lực gì không, khi người tiền nhiệm của ông là ông Thân Đức Nam đã đưa Cienco 5 từ chỗ nợ đầm đìa thành một đơn vị có lãi chỉ trong một thời gian ngắn?


Tôi sẽ không đưa ra một đánh giá hay so sánh gì. Nhưng tôi xác định mình sẽ hành động để chứng minh rằng, việc lựa chọn tôi là một quyết định đúng.

Thành công của người tiền nhiệm sẽ là tấm gương, là động lực để tôi phấn đấu. Với bản lĩnh của một người lãnh đạo thì mình phải biết chấp nhận tình trạng khó khăn trước mắt và có giải pháp để mà xử lý, vượt qua.

Còn phía trước của doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ngành giao thông nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do năng lực còn nhiều hạn chế, thiếu vốn.

Sắp phải chuyển từ lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước sang một doanh nghiệp cổ phần, tâm lý của ông thế nào?


Với tôi, dù làm bất cứ nhiệm vụ gì, vị trí nào được cấp trên giao thì đều cố gắng phát huy tốt năng lực, trí tuệ của mình. Khi sang môi trường mới, sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế đã tích lũy được.

Thế hệ chúng tôi trải qua nhiều vị trí khác nhau, đến nay bước sang lứa tuổi đầu 4, cũng đủ chín để biết mình phải làm gì, làm thế nào.

Hiện nay một số đơn vị tư vấn nhân lực nói với chúng tôi rằng, nếu doanh nghiệp muốn chọn bổ nhiệm lãnh đạo mới, hãy tạm quên đi thế hệ lứa tuổi đầu 4 trở lên mà hãy ưu tiên chọn thế hệ lứa tuổi đầu 3 trở lại để có điều kiện phát huy năng lực và trí tuệ của tuổi trẻ cũng như tạo nguồn cho tương lai.