09:14 26/10/2015

Có thể gửi đơn kiện qua e-mail

Nguyễn Lê

Việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử phải thực hiện đúng quy định của giao dịch điện tử.<br>
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử phải thực hiện đúng quy định của giao dịch điện tử.<br>
Nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến sẽ đơn giản hóa được các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Cả ngày 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án bộ luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ hình thức gửi đơn khởi kiện bằng thư điện tử, trực tuyến nhằm bảo đảm thuận tiện cho người khởi kiện và tránh sự lạm dụng.

Việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp” và “người dân chỉ nộp đơn đến tòa án, tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”.

Tuy nhiên, cũng như các thủ tục hành chính khác được thực hiện qua thư điện tử, trực tuyến thì việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đó, dự thảo bộ luật mới nhất quy định một trong các phương thức mà người khởi kiện vụ án có thể lựa chọn là gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến tòa án bằng hình thức điện tử trong trường hợp tòa án áp dụng hình thức nhận đơn trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án.

Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

Ngoài vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu nhiều nội dung khác còn có ý kiến khác nhau, trong đó có quy định quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo dự thảo bộ luật thì tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tại các phiên thảo luận trước, cả ý kiến đồng tình và không đồng tình với quy định được cho là rất mới này đều rất mạnh mẽ.

Chốt lại để trình Quốc hội lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng đảm bảo khả thi hơn và tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.