19:06 17/05/2017

Có thể miễn trách nhiệm cho cán bộ xử lý ngân hàng yếu kém

Nguyên Vũ

Không ít cán bộ đã xin nghỉ việc khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế, trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế, trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Sáng 17/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ ba của Quốc hội sẽ khai mạc sáng 22/5 dự án Luật Sửa đổi,  bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Vài ngày trước, Chính phủ cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Thường trực Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra - về dự án luật này.

Tránh lạm dụng 

Trước đó, như VnEconomy đã thông tin, trong tờ trình dự án luật, Chính phủ đã nêu thực tế có không ít cán bộ đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý.

Để đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo luật quy định: cán bộ, công chức, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng chính sách này là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. 

Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng quy định này cũng như để đề cao trách nhiệm của người được giao tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đề nghị từ thường trực cơ quan thẩm tra là cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.... 

Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần làm rõ phạm vi được miễn trách nhiệm pháp lý của người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. 

Theo giải trình của Chính phủ thì việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là cần thiết và phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế. 

Chính phủ khẳng định, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ để tránh việc lạm dụng chính sách trốn tránh trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến sai phạm.

Theo đó, phạm vi được miễn trừ của các đối tượng này chỉ không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

Như vậy, trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Vẫn cố tình che giấu

Bên cạnh nội dung trên, nhiều vấn đề khác, trong đó có quy định về nguồn vốn góp, mua cổ phần vào tổ chức tín dụng cũng được Chính phủ giải trình.

Lần sửa đổi này, dự thảo luật đã bổ sung điểm đ, khoản 1 điều 29 như sau:

“đ, Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn thành cổ đông thường và ngược lại; mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên.

Trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể  các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần”.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng trong thời gian vừa qua, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông chi phối thao túng ngân hàng được xử lý cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. 

Trong đó vẫn còn trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể và tồn tại các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. 

Đề nghị được đưa ra với cơ quan soạn thảo là tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cũng như chế tài xử lý nhằm khắc phục được tình trạng sở hữu chéo, tăng cường minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, bảo đảm các cổ đông chi phối tại tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính. Tránh trường hợp nguồn vốn góp chủ yếu từ nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng và bảo đảm cho hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất. 

Cơ quan soạn thảo hồi âm, dự thảo luật quy định về nguồn vốn góp, mua cổ phần vào tổ chức tín dụng của nhà đầu tư để nhằm hạn chế hơn nữa tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng. Việc phát hiện tình trạng sở hữu hộ hoặc che giấu qua nhiều chủ thể là không khả thi, nhất là trong điều kiện thủ tục thành lập doanh nghiệp thuận lợi. Việc phát hiện tình trạng sở hữu hộ chỉ có thể thông qua hoạt động điều tra của cơ quan điều tra có thẩm quyền. 

Việc xử lý hành vi vi phạm về hành chính đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Việc quy định chế tài tại luật này là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật - Chính phủ giải thích.