15:58 10/07/2014

“Con đường sữa sạch” của TH

Nguyễn Hoài

Giữa vùng đất miền Tây xứ Nghệ, nóng ẩm, gió Lào, những đàn bò gốc gác xứ lạnh vẫn có thể sống khỏe

Cánh đồng nguyên liệu tại trang trại TH, Nghĩa Đàn, Nghệ An.<br>
Cánh đồng nguyên liệu tại trang trại TH, Nghĩa Đàn, Nghệ An.<br>
Từ Hà Nội, dọc theo đường Hồ Chí Minh, những cảm giác hoang vu về một con đường nằm lọt thỏm giữa núi rừng Trường Sơn ngày mới khánh thành đã không còn nữa. Thay vào đó, nhà hai bên đường bắt đầu tràn ra cùng ngô lúa, rơm rạ, trâu bò... và những quán hàng nhuốm màu quốc lộ 1A đang dần hiện hữu.
 
Song, đến hết địa phận Thanh Hóa, bỗng nhiên, con đường vụt trở nên sáng sủa, với những vạt cỏ comosa, ngô, mía xanh thẫm kéo dài hàng chục cây số ven đường. Trang trại của TH True Milk.

Rất khó hình dung, giữa vùng đất miền Tây xứ Nghệ, nóng ẩm, mỗi năm có tới 4 tháng gió Lào khô rát quần thảo, mà những đàn bò sữa gốc gác xứ lạnh vẫn có thể sống khỏe.

Con đường sữa sạch


Dăm bảy năm về trước, hầu hết diện tích đất bazan của huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp (trước kia gọi là Phù Quỳ, phía Tây Nghệ An) đều do nông trường quản lý. Mặc dù đất đai phì nhiêu nhưng do cơ chế quản lý theo kiểu nhà nước giao cho nông trường, nông trường khoán hộ nên cây trồng ở đây gần như đủ thứ.

Quế, sắn, cà phê, cao su, mía thi nhau mọc lên. Trồng lắm thứ nhưng không vì thế mà đời sống công nhân nông lâm trường thoát nghèo do năng suất, chất lượng cây trồng không cao. Đã thế, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn liên miên, đất đai màu mỡ bị bào mòn, dòng chảy sông suối bị thu hẹp và trở thành nguyên nhân của lũ quét vào mùa mưa.

Nên khi Tập đoàn TH đề xuất dự án trồng cỏ, nuôi bò sữa, chế biến sữa sạch, tỉnh Nghệ An đã đồng ý. Việc đầu tiên khi bắt tay triển khai dự án là tập trung mọi nỗ lực để tích điền. Sau khi có quy hoạch, đất đai được tích tụ theo hướng cuốn chiếu, làm đến đâu, thu hồi và đền bù đến đó.

Có mặt bằng, dự án tiến hành xây dựng chuồng trại và triển khai hoàn toàn theo công nghệ Israel: hệ thống chế biến thức ăn và nước uống được theo dõi nghiêm ngặt qua phần mềm mua ở nước ngoài; hệ thống vệ sinh chuồng trại, thú y và xử lý nước thải; hệ thống vắt sữa được dẫn vào bồn chứa và vận chuyển đến thẳng nhà máy trong điều kiện nhiệt độ từ 2 - 4 độ C.

Đàn bò mẹ được nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ, Úc, Canada. Khi phối giống, toàn bộ tinh trùng bò cũng được nhập khẩu và tất cả đều có phả hệ.

Bò được chăm sóc theo quy trình khép kín: thức ăn sau khi xử lý diệt giun sán thông qua ủ chua với rỉ mật mía, được trộn lẫn với nhiều thành phần dinh dưỡng khác như hạt hướng dương, ngô, rơm… theo một công thức nhất định được đẩy vào máng cho bò. Những con nào đến kỳ cho sữa thì được tách đàn để kiểm soát theo thẻ từ, để xác định tình trạng sức khỏe trước khi vào chuồng vắt sữa.

Tại khu vực vắt sữa, hệ thống loa phát nhạc giao hưởng. Một chuyên gia Israel giải thích: “Nhạc giao hưởng làm cho bò trấn tĩnh tinh thần, không tranh nhau vào chuồng vắt do tức bầu sữa. Nhờ đó, sữa ngon hơn”.

Quan sát núm vắt, thấy khá thú vị, ở chỗ, vừa bú, vừa nhả, đúng như miệng con bê bú trong tự nhiên. Vắt sữa xong, con nào con nấy tự giác rời chỗ, nhởn nhơ về chuồng, khác với lúc đi, chúng gần như tranh nhau chạy để cố giành được chỗ vắt trước.

Về sự tuân thủ quy trình ở trang trại, có câu chuyện rằng, gần ngày Tết, khi đỡ đẻ cho bò, một số công nhân đã hứng rau thai để tranh thủ làm tí... đồ nhắm. Rủi cho họ, vị quản lý người Israel phát hiện, và ông lập tức đuổi việc. Thương công nhân, bà chủ tập đoàn đích thân xin ông này nương tình nghĩ lại.

Nhưng nhà quản lý dứt khoát: “Có hai lý do tôi phải đuổi việc. Thứ nhất, ăn thứ đó rất mất vệ sinh. Hai là, một con bê giá hàng nghìn đô la, nếu không chú ý để đỡ mà lại lo nhặt rau thai, có thể nguy hiểm cho bê là không được!”.

Đến nước đó thì bà chủ cũng đành bất lực.

Cột mốc mềm


Đầu tháng 7/2014, TH cho ra mắt thêm dòng sản phẩm Top Kid, sữa học đường, gần như khép kín dải sản phẩm sữa nước dành cho mọi độ tuổi, trừ trẻ sơ sinh.

Tính đến nay, tập đoàn này đã có tới trên 30 sản phẩm sữa các loại, với hương vị sữa bò thuần khiết, tự nhiên.

Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, đơn vị tư vấn tài chính cho dự án sữa sạch TH True Milk nói, Bắc Á đã hoạch định một chính sách tín dụng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn.

Nội dung chính của chính sách, là tập trung trí tuệ lựa chọn danh mục đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu khoa học kỹ thuật của các ngành nghề tương ứng, lựa chọn các nhà tư vấn giỏi trên thế giới, để tập trung nguồn lực cho hoạt động tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có đủ “tâm, trí, lực” đồng hành thực hiện các dự án. Đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Với hướng đi này, ông Quang nói, ngân hàng sẽ chủ động nắm bắt được sản phẩm, thị trường và quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không còn bị động khi xem xét quyết định cho vay, và yên tâm hơn về khả năng hoàn trả vốn của doanh nghiệp đối với ngân hàng.

Sau 4 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của TH với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 37.000 ha và tổng đàn bò 137.000 con đã đi gần nửa chặng đường.

Cụ thể, đàn bò đã đạt 45 nghìn con trên diện tích 8.100 ha đất. Nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với công suất 500 triệu lít/năm cũng đã được đưa vào sử dụng vào ngày 9/7/2013, với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thomsing Thamavong.

Nhìn thấy miếng bánh thị phần sữa nước vẫn còn rất lớn, một đại gia ngành gỗ gần đây cũng muốn nhảy vào lĩnh vực nuôi bò sữa. Đón nhận thông tin này, người đứng đầu Tập đoàn TH nói: “Thị phần vẫn còn nhiều, ai nuôi mà chẳng mừng cho họ, nhưng tôi là một phụ nữ, phải yêu bò như con mình mang nặng đẻ đau thì mới thành!”.

TH cũng đang tính vươn tới Tây Nguyên. Chủ tịch Hội đồng Quản trị TH, bà Thái Hương kể: “Tôi từng lội mòn gót chân ở các đồng đất Tây Nguyên, có những nơi đến cây cỏ săng cũng không sống được. Nước thiếu vì rừng đầu nguồn bị chặt phá, dẫn tới đất mất hết độ ẩm, hạ tầng cơ sở, đường sá thì sơ sài, thậm chí có những bản chưa có đường”.

Và trong một tính toán gần đây, bà cho biết, nếu được giao đất, việc đầu tiên là dành 30% quỹ đất để trồng rừng lấy lại độ ẩm tự nhiên; 70% quy hoạch trồng dược liệu và cỏ chăn nuôi bò sữa. Từng bước tạo hiệu ứng gây dựng cơ sở vật chất, giúp cải thiện đời sống cho dân, để họ yên tâm định canh định cư, tạo nên những cột mốc mềm nơi biên giới.

“Không có cột mốc nào vững chãi hơn người dân ở những miền biên giới ấy. Đó là một giá trị khác mà tôi muốn nói đến”, bà Hương nói, khi bàn về các dự án bò sữa, rau sạch, dược liệu sắp được triển khai ở vùng đất này.