Con gấu, cây gỗ sưa và hai chữ trách nhiệm
Lại một cây sưa nữa bị chặt hạ giữa lòng Thủ đô, sau nhiều vụ việc với những cây sưa lớn hơn đã bị biến mất chỉ sau một đêm
Lại một cây sưa nữa bị chặt hạ giữa lòng Thủ đô, sau nhiều vụ việc với những cây sưa lớn hơn đã bị biến mất chỉ sau một đêm.
Tại các vùng rừng núi xa xôi, nhân lực mỏng, địa hình khó khăn, để mất cây mất rừng đã đành. Đằng này, ngay giữa Thủ đô mấy triệu dân, lực lượng công an, an ninh hùng hậu mà cũng để lâm tặc hoành hành thì thật khó hiểu. Thế cho nên, cơ quan công an đã lập chuyên án và chỉ một đêm đã bắt gọn hàng chục tên với đầy đủ tang vật.
Trước đó, dư luận bất bình việc các trại gấu ở Quảng Ninh ngang nhiên hút mật gấu phục vụ khách du lịch nước ngoài, các quan chức năng viện dẫn đủ lý do để né tránh trách nhiệm. Đến khi cảnh sát môi trường ra tay thì nhân chứng, vật chứng hiện ra đầy đủ và không thể chối cãi, có cả người nước ngoài tham gia đường dây, quy trình khép kín.
Điểm trùng hợp là cả con gấu và cây gỗ sưa đều là tài nguyên quốc gia, là những loài quý hiếm được nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt và đều có kích thước đủ lớn để không dễ dàng che giấu, qua mặt cơ quan chức năng.
Thế mà hàng nghìn con gấu bị bắt nhốt và lấy mật trong nhiều năm, hàng chục cây sưa bị chặt hạ và mang đi dễ dàng ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nếu trồng lại ngay, phải mất vài chục năm nữa, các cây sưa có thể sẽ lại to lớn, sum xuê. Nhưng những con gấu thì không bao giờ còn cơ hội quay lại chốn rừng sâu núi thẳm nơi chúng đã sinh ra, vì gấu không có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt và cũng không thể quay lại đời sống hoang dã cần thiết, do chúng đã mất đi những tập tính cần thiết.
Trước đó, khi công luận hỏi đến thì đâu đó lại vang lên điệp khúc quen thuộc: pháp luật thiếu, nhân lực mỏng, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, chưa bắt được quả tang… Thế nhưng sau khi dư luận bất bình lên tiếng và có những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt từ cấp trên thì cả băng nhóm tội phạm nhanh chóng tra tay vào còng!
Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta không thiếu cơ sở pháp luật, không thiếu nhân lực, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể triệt phá những loại tội phạm này ngay từ những vụ việc đầu tiên, có chăng là thiếu trách nhiệm, thiếu động lực và quyết tâm thực thi nhiệm vụ.
Tài nguyên cần được giao một cách rõ ràng, cụ thể cho những người có trách nhiệm và quyền hạn để được giữ gìn và phát huy. Vấn đề là nhiều lúc chúng ta không giao trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng. Ví như việc xử lý 80 con gấu nuôi trái phép ở Quảng Ninh là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chi cục kiểm lâm hay cơ quan nào khác?
Cây sưa là trách nhiệm của công ty cây xanh, công an hay chính quyền quận, phường? Việc để mất gỗ, mất rừng, mất thú, ai là người sẽ bị kỷ luật: chủ rừng, kiểm lâm hay chủ tịch ủy ban nhân dân sở tại? Xuất lậu than và khoáng sản ồ ạt ra nước ngoài là tại "ông" khoáng sản, công an hay hải quan, biên phòng? Nếu là tại nhiều cơ quan, thì trách nhiệm mỗi cơ quan như thế nào?...
Tài sản của đất nước chúng ta không chỉ có con gấu và cây gỗ sưa, chúng ta còn phải giữ gìn voi, hổ, cây nghiến, cây pơ mu, những cánh rừng vàng, những vùng biển bạc, những dòng sông mát lành, rồi quặng mỏ, đất đai… Thủ đoạn của kẻ xấu thì lúc nào chẳng tinh vi và khó lường, nhưng, chẳng nhẽ chúng ta cứ để cho những thứ tài nguyên đó dần dần mất đi và thế hệ của những người Việt sắp được sinh ra sẽ không còn được quyền tự hào về non sông gấm vóc của dân tộc mình? Chúng ta sẽ nói sao đây với những bậc tiền bối đã có công gây dựng và giữ gìn đất nước?
Chúng ta cần khen thưởng các chiến sỹ đã tích cực phá án, đồng thời cũng phải kiểm điểm những người có trách nhiệm đã để những hành vi sai trái kéo dài, gây thiệt hại cho đất nước. Giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ gấu, gỗ sưa và các loại tài nguyên khác còn có ý nghĩa lớn hơn: đó chính là hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ, của Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên quốc gia, và là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tránh lặp lại sai lầm trong tương lai.
* Tác giả bài viết là Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Tại các vùng rừng núi xa xôi, nhân lực mỏng, địa hình khó khăn, để mất cây mất rừng đã đành. Đằng này, ngay giữa Thủ đô mấy triệu dân, lực lượng công an, an ninh hùng hậu mà cũng để lâm tặc hoành hành thì thật khó hiểu. Thế cho nên, cơ quan công an đã lập chuyên án và chỉ một đêm đã bắt gọn hàng chục tên với đầy đủ tang vật.
Trước đó, dư luận bất bình việc các trại gấu ở Quảng Ninh ngang nhiên hút mật gấu phục vụ khách du lịch nước ngoài, các quan chức năng viện dẫn đủ lý do để né tránh trách nhiệm. Đến khi cảnh sát môi trường ra tay thì nhân chứng, vật chứng hiện ra đầy đủ và không thể chối cãi, có cả người nước ngoài tham gia đường dây, quy trình khép kín.
Điểm trùng hợp là cả con gấu và cây gỗ sưa đều là tài nguyên quốc gia, là những loài quý hiếm được nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt và đều có kích thước đủ lớn để không dễ dàng che giấu, qua mặt cơ quan chức năng.
Thế mà hàng nghìn con gấu bị bắt nhốt và lấy mật trong nhiều năm, hàng chục cây sưa bị chặt hạ và mang đi dễ dàng ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nếu trồng lại ngay, phải mất vài chục năm nữa, các cây sưa có thể sẽ lại to lớn, sum xuê. Nhưng những con gấu thì không bao giờ còn cơ hội quay lại chốn rừng sâu núi thẳm nơi chúng đã sinh ra, vì gấu không có khả năng sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt và cũng không thể quay lại đời sống hoang dã cần thiết, do chúng đã mất đi những tập tính cần thiết.
Trước đó, khi công luận hỏi đến thì đâu đó lại vang lên điệp khúc quen thuộc: pháp luật thiếu, nhân lực mỏng, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, chưa bắt được quả tang… Thế nhưng sau khi dư luận bất bình lên tiếng và có những chỉ đạo cụ thể và quyết liệt từ cấp trên thì cả băng nhóm tội phạm nhanh chóng tra tay vào còng!
Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta không thiếu cơ sở pháp luật, không thiếu nhân lực, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể triệt phá những loại tội phạm này ngay từ những vụ việc đầu tiên, có chăng là thiếu trách nhiệm, thiếu động lực và quyết tâm thực thi nhiệm vụ.
Tài nguyên cần được giao một cách rõ ràng, cụ thể cho những người có trách nhiệm và quyền hạn để được giữ gìn và phát huy. Vấn đề là nhiều lúc chúng ta không giao trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng. Ví như việc xử lý 80 con gấu nuôi trái phép ở Quảng Ninh là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hay của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chi cục kiểm lâm hay cơ quan nào khác?
Cây sưa là trách nhiệm của công ty cây xanh, công an hay chính quyền quận, phường? Việc để mất gỗ, mất rừng, mất thú, ai là người sẽ bị kỷ luật: chủ rừng, kiểm lâm hay chủ tịch ủy ban nhân dân sở tại? Xuất lậu than và khoáng sản ồ ạt ra nước ngoài là tại "ông" khoáng sản, công an hay hải quan, biên phòng? Nếu là tại nhiều cơ quan, thì trách nhiệm mỗi cơ quan như thế nào?...
Tài sản của đất nước chúng ta không chỉ có con gấu và cây gỗ sưa, chúng ta còn phải giữ gìn voi, hổ, cây nghiến, cây pơ mu, những cánh rừng vàng, những vùng biển bạc, những dòng sông mát lành, rồi quặng mỏ, đất đai… Thủ đoạn của kẻ xấu thì lúc nào chẳng tinh vi và khó lường, nhưng, chẳng nhẽ chúng ta cứ để cho những thứ tài nguyên đó dần dần mất đi và thế hệ của những người Việt sắp được sinh ra sẽ không còn được quyền tự hào về non sông gấm vóc của dân tộc mình? Chúng ta sẽ nói sao đây với những bậc tiền bối đã có công gây dựng và giữ gìn đất nước?
Chúng ta cần khen thưởng các chiến sỹ đã tích cực phá án, đồng thời cũng phải kiểm điểm những người có trách nhiệm đã để những hành vi sai trái kéo dài, gây thiệt hại cho đất nước. Giải quyết triệt để vấn đề bảo vệ gấu, gỗ sưa và các loại tài nguyên khác còn có ý nghĩa lớn hơn: đó chính là hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính phủ, của Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên quốc gia, và là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tránh lặp lại sai lầm trong tương lai.
* Tác giả bài viết là Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.