09:17 25/10/2019

Còn khoảng trống pháp lý về hoạt động tín thác

LAM GIANG

Việt Nam sẽ trải qua đánh giá đa phương về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 11/2019

Ảnh: Quang Phúc
Ảnh: Quang Phúc

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền. 

Đáng chú ý, dự thảo sẽ sửa đổi quy định về một số hoạt động như rà soát, cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, thủ tục khai báo hải quan về kim loại quý, đá quý, ngoại tệ khi xuất nhập cảnh...

Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Thông tư sẽ mở rộng thêm một số đối tượng, hành vi như cá nhân xuất nhập cảnh mang theo kim loại quý, đá quý có giá trị phải khai báo hải quan, khách hàng có tham gia vào thỏa thuận pháp lý... 

Theo giải thích của Ban soạn thảo, Việt Nam sẽ trải qua đánh giá đa phương về cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 11/2019. Theo đó APG sẽ tiến hành đánh giá cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam theo 40 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). 

Tuy nhiên, qua rà soát quy định pháp luật Việt Nam và trao đổi, thảo luận với các bộ, ngành liên quan cũng như khuyến nghị của chuyên gia tư vấn ADB hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho đánh giá đa phương, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, mặc dù Việt Nam đã có khuôn khổ pháp luật chung về phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố nhưng vấn thiếu những quy định hướng dẫn đối tượng báo cáo thực hiện, đặc biệt là những yêu cầu nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế có liên quan. 

Bên cạnh đó, phía Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Điều 55 Luật Hải quan liên quan đến việc yêu cầu cá nhân phải xuất trình giấy tờ gì khi xuất nhập cảnh mang theo kim loại quý, đá quý có giá trị phải khai báo hải quan. 

Liên quan đến giao dịch điện tử, phương thức chuyển tiền đang được nhiều tổ chức tội phạm, khủng bố thực hiện. Do đó, với mục đích đảm bảo rằng các thông tin cơ bản về người khởi tạo và người thụ hưởng trong các giao dịch chuyển tiền điện tử luôn có sẵn và ngay lập tức, phục vụ công tác rà soát dòng tiền nhằm chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. 

Đồng thời, nhằm phát hiện cũng như ngăn chặn tội phạm khủng bố và các tội phạm khác sử dụng chuyển tiền điện tử để chuyển các quỹ bất hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc phục vụ hoạt động khủng bố... 

Dự thảo đã quy định các tổ chức tài chính phải thực hiện các biện pháp, trong đó bao gồm các biện pháp giám sát sau giao dịch hoặc giám sát thời gian thực để xác định các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế thiếu các thông tin về người khởi tạo lệnh chuyển tiền hoặc người thụ hưởng. 

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế có giá trị tương đương từ 1.000 USD trở lên, ngoài việc nhận biết người khởi tạo lệnh chuyển tiền, tổ chức tài chính phải nhận biết người thụ hưởng và phải lưu giữ các thông tin này. 

Dự thảo còn quy định, khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách chỉ định của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoặc danh sách đen do Bộ Công an chủ trì lập hoặc khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi liên quan đến tài trợ khủng bố, rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, các tổ chức tài chính có trách nhiệm báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đồng thời báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, báo cáo đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam gần đây nhất có nêu, Việt Nam là nước một phần theo Luật dân sự và không công nhận tín thác. Tuy nhiên, Việt Nam lại không có điều luật cụ thể cấm hoặc điều chỉnh hoạt động của các công ty tín thác nước ngoài. 

Tín thác không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam nhưng không có gì chắc chắn về việc các công ty tín thác nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam và dường như không có trở ngại nào đối với công dân Việt Nam trở thành người tín thác của một công ty tín thác nước ngoài. 

Do đó báo cáo kiến nghị Việt Nam cần giám sát các hoạt động của các công ty tín thác nước ngoài tại Việt Nam và ban hành các luật hoặc quy định phù hợp. 

Từ báo cáo của APG, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định các tổ chức tài chính phải cập nhật thông tin khách hàng có tham gia thoả thuận pháp lý. Theo đó, đối với tín thác của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông tin cá nhân về bên tín thác, bên nhận tín thác, người bảo hộ (nếu có), người hưởng lợi hoặc loại hình hưởng lợi và bất cứ cá nhân nào khác thực hiện việc kiểm soát thực sự đối với hợp đồng ủy thác đó. 

Còn đối với ủy thác của tổ chức cá nhân trong nước thì ngoài những quy định bắt buộc chung các tổ chức tài chính còn được thực hiện việc kiểm soát thực sự đối với hợp đồng ủy thác, kể cả việc sở hữu, kiểm soát theo chuỗi...

Còn FATF thì khuyến nghị về tính minh bạch và quyền sở hữu hưởng lợi của các thỏa thuận pháp lý. Theo đó, tất cả các quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp đảm bảo rằng người nhận ủy thác khai báo về tình trạng của mình cho các tổ chức tài chính khi họ, với vai trò là người nhận ủy thác thiết lập mối quan hệ kinh doanh hoặc thực hiện một giao dịch vãng lai nào vượt ngưỡng. 

Do đó Dự thảo Thông tư đưa ra quy định "các tổ chức phải có biện pháp nhận biết khách hàng ngay sau khi xác định được khách hàng là người thụ hưởng hoặc người được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc chính sách bảo hiểm khác liên quan đến đầu tư, quyết định việc áp dụng các biện pháp tăng cường nhận biết khách hàng đối với người thụ hưởng được đánh giá có rủi ro cao bảo đảm xác định và nhận biết được người thụ hưởng tại thời điểm chi trả".