09:34 15/11/2007

Công nghiệp phụ trợ Việt Nam: “Yếu, nhưng tiềm năng lớn”

Đức Thọ

VnEconomy hỏi chuyện ông Tomoharu Washio, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro)

"Quan trọng là có thể biến tiềm năng trở thành hiện thực hay không." - Ảnh: Đức Thọ
"Quan trọng là có thể biến tiềm năng trở thành hiện thực hay không." - Ảnh: Đức Thọ
VnEconomy hỏi chuyện ông Tomoharu Washio, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro).

Tại Hà Nội vừa diễn ra Triển lãm Công nghiệp phụ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ hai. Trước tiên, ông hãy lý giải vì sao Jetro và Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Vietrade) tổ chức cuộc triển lãm này theo mô hình "ngược"?

Chúng ta có thể thấy hầu hết các cuộc triển lãm đều là nơi mà các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Riêng ngành công nghiệp phụ trợ lại có đặc điểm khá khác biệt. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp không thể cứ “ra chợ” là có thể tìm mua được những linh kiện, phụ tùng chất lượng cao và ăn khớp với các loại linh kiện khác để có thể hoàn thiện một sản phẩm của mình.

Giữa các nhà sản xuất với các nhà cung cấp linh kiện cần phải có một sự thấu hiểu. Vì vậy, chúng tôi tổ chức cuộc triển lãm với mô hình ngược, trong đó chia đôi số doanh nghiệp tham gia giữa một bên là các nhà sản xuất của Nhật Bản đến từ Nhật Bản và một số nước khác với một bên là các nhà cung cấp linh kiện của Việt Nam nhằm tạo điều kiện tốt nhất để họ "tìm" thấy nhau.

Ngoài các doanh nghiệp tham gia triển lãm, nhân dịp này cũng đã có gần 100 đại diện các doanh nghiệp khác của Nhật Bản sang Việt Nam với mong muốn được làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ đó tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.

Về cảm nhận ban đầu, họ thấy cơ hội đó như thế nào?

Tôi có thể nói một câu rất ngắn gọn, là hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đều rất muốn đầu tư tại Việt Nam và không một ai không thích Việt Nam.

Vậy Jetro đã và sẽ làm gì để giúp họ?

Việt Nam là quốc gia thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản như một điểm đầu tư hấp dẫn, mặt khác lại đang đối mặt với một vấn đề là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Jetro đang cố gắng hỗ trợ sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, nhằm giúp hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra thuận lợi.

Cụ thể là cử đoàn doanh nghiệp đến Hà Nội và Đà Nẵng, thực hiện điều tra tại chỗ các ngành công nghiệp phụ trợ… Bên cạnh đó, tới đây chúng tôi sẽ có một số hợp tác với Bộ Công Thương để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Được biết cuộc điều tra tại chỗ của Jetro về công nghiệp phụ trợ Việt Nam vừa kết thúc, ông có thể cho biết sơ qua về kết quả?

Một thực tế cần phải thừa nhận là số doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp phụ trợ rất ít, chưa kể là cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện hiện nay chủ yếu là các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện đa số các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện là chủ yếu. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu nên các nhà sản xuất này rất muốn có các nhà cung cấp linh kiện ngay tại trong nước nhưng đòi hỏi chất lượng rất cao và giá thành phải rẻ, mà điều này thì lại đang là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng còn về tiềm năng thì sao, thưa ông?

Theo tìm hiểu và phân tích của tôi, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp phụ trợ, trong đó cơ bản dựa trên khả năng tiếp thu công nghệ mới và sự khéo tay của người thợ Việt Nam. Nếu so với Thái Lan, một trong những quốc gia hàng đầu về công nghiệp phụ trợ, Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn có thể vượt qua.

Tiềm năng là thế, quan trọng là có thể biến tiềm năng trở thành hiện thực hay không. Để làm được điều đó, theo tôi, cần phải có sự nỗ lực của không chỉ các các doanh nghiệp mà còn của cả cơ quan Nhà nước. Trong đó yêu cầu hàng đầu là đào tạo nhân lực, các doanh nghiệp phải đảm bảo được các yếu tố chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn giao hàng, bảo vệ môi trường đồng thời phải phát triển nhanh hạ tầng giao thông, cầu cảng…