14:57 09/07/2013

Công ty xử lý nợ xấu âm thầm khởi động?

Nhật Nam

Tuyệt nhiên chưa có thông tin nào cụ thể và công bố chính thức về việc VAMC đi vào hoạt động

Theo quy định tại Nghị định 53, khi vận hành, các tổ chức tín dụng có tỷ
 lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dư thảo 
thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi 
nợ.
Theo quy định tại Nghị định 53, khi vận hành, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dư thảo thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi nợ.
Hôm nay (9/7) là ngày Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động theo Nghị định 53 của Chính phủ, sau khoảng một năm với nhiều tranh luận và chuẩn bị.

Tuy nhiên, ngoài các thông tin về khung pháp lý, cơ cấu vốn, thị trường tuyệt nhiên chưa có bất cứ công bố cụ thể nào về sự nhập cuộc của công ty xử lý nợ xấu này.

Trước đó, ngày 19/6/2013, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC - một cơ sở pháp lý cụ thể hơn cho sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động. Cho đến nay, thông tư này vẫn chưa được ban hành, hoặc có thể đã được ban hành nhưng chưa công bố (?). Dự thảo trước đó cũng đề ngày có hiệu lực là 9/7/2013.

Về cơ bản, mô hình VAMC, cách thức vận hành, hướng hoạt động và cả mục tiêu dự kiến đã được đưa ra. Song, mốc hẹn 9/7 nói trên trở nên lặng lẽ. Thậm chí đến nay cơ cấu nhân sự vẫn chỉ nằm trong các thông tin bên lề.

Từ giữa tháng 6/2013, thị trường đã bắt đầu đón VAMC bằng kế hoạch tổ chức và tuyển dụng nhân sự. Một nguồn tin đề cập đến người đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc là ông Nguyễn Hữu Thủy, từng công tác tại ngân hàng VietinBank trước khi về cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phụ trách khối các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Trước đó, một số nguồn tin cũng đề cập đến việc điều chuyển nhân sự là lãnh đạo cao cấp tại ngân hàng LienVietPostBank, ngân hàng SHB vào cơ cấu chuyên trách các mảng hoạt động của VAMC, bên cạnh nhân sự cao cấp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước và khối ngân hàng thương mại nhà nước…

Theo quy định tại Nghị định 53, khi vận hành, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dư thảo thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi nợ.

Bản giải trình dự thảo nêu rõ rằng: dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%. Theo đó, với quy định tỷ lệ công ty được hưởng là 2% tương ứng với mức thu là 320 - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 - 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm.