08:39 25/12/2009

CPI năm 2009: “Nén” và “nhả”

Anh Quân

Không có những đột biến lớn, không bất thường về quy luật, diễn biến CPI năm 2009 cho cảm giác khá trầm lắng

CPI theo tháng đạt đỉnh 4 lần trong năm qua, ở các tháng Hai, Sáu, Chín và Mười hai, ở các mức tăng 1,17%; 0,55%; 0,62% và 1,38%.
CPI theo tháng đạt đỉnh 4 lần trong năm qua, ở các tháng Hai, Sáu, Chín và Mười hai, ở các mức tăng 1,17%; 0,55%; 0,62% và 1,38%.
Không có những đột biến lớn, không bất thường về quy luật, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 cho cảm giác khá trầm lắng. Nhưng trong một năm nền kinh tế trầm, thăng phức tạp, CPI vẫn có sự đảo chiều tương ứng.

Trên biểu đồ, tốc độ tăng CPI theo tháng đạt đỉnh 4 lần trong năm qua, ở các tháng Hai, Sáu, Chín và Mười hai, với các mức tăng 1,17%; 0,55%; 0,62% và 1,38%. Quy luật nén - nhả nới lỏng dần qua các vòng “xoắn ốc”, và lạm phát gia tăng sau mỗi chu kỳ được hình thành.

Trong 8 tháng đầu tiên, diễn biến chỉ số giá là biểu hiện của kìm nén, ít nhiều theo tính quy luật và cho cảm nhận an toàn. Tuy nhiên trong 4 tháng còn lại, đường biểu diễn xóc nhẹ, báo hiệu những đột biến, để rồi tăng dần và dựng ngược lên trong tháng tận cùng của năm, hiện thực hóa phần cảm nhận lơ lửng đâu đó về nguy cơ tái lạm phát.

“Hóa giải” xu thế cũ

Sau “nốt trầm” trong 3 tháng cuối năm 2008 với mức giảm âm, CPI xóa sạch những đột biến để trở về với quy luật vốn có.

Trong 8 tháng đầu năm, “lò xo” CPI được nén tới hai vòng. Ở vòng thứ nhất, CPI lên nhẹ 0,32% trong tháng 1/2009, chủ yếu do yếu tố tâm lý, người tiêu dùng chấp nhận giá cao hơn trong tháng giáp Tết Nguyên đán.

Nhưng đến tháng Hai, Tết Kỷ Sửu và rằm tháng Giêng kéo giá lương thực, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đồng loạt lên mức cao. Ở đỉnh cao thứ nhất, CPI tăng 1,17%, trước khi đảo chiều giảm âm 0,17% trong tháng Ba ngay sau đó, khép lại vòng quy luật nén - nhả đầu tiên.

Tồn kho hàng công nghiệp chế biến ước tính 5% GDP vào cuối năm 2008, đến thời điểm này tận dụng cơ hội để “xả hàng”. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn chưa lấy lại được sinh khí mới. GDP quý 1/2009 chỉ tăng 3,1%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, yếu tố thường kéo bật tăng trưởng trong giai đoạn trước, dù vẫn tăng 21,9% so với cùng kỳ, nhưng loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng 6,5% (cùng kỳ năm 2008 tăng 11%). VN-Index đạt mức thấp kỷ lục, 235,5 điểm vào ngày 24/2, tô đậm thêm bức tranh ảm đạm của kinh tế giai đoạn này.

Cùng trầm lắng với kinh tế trong nước, giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên liệu trên thế giới cũng liên tục đi xuống. Tác động đến giá cả trong nước, xăng duy trì mức 11.000 đồng/lít (xăng A92) trong cả quý 1/2009.

Ở diễn biến ngược lại, giá lương thực lại tăng khá mạnh. Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng từ mức 396,5 USD/tấn của tháng Một lên đỉnh cao 454,77 USD/tấn trong tháng Ba.

Trong nước, chỉ số giá mặt hàng lương thực tháng 3/2009 đã tăng 2,06% so với tháng 12/2008, đẩy nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,6% trong cùng so sánh. Đây cũng là nhân tố chính tác động đến sức tăng của chỉ số giá giai đoạn này.

Phụ thêm lực kéo là các nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép và đồ uống, thuốc lá… có động lực từ quy luật tăng cầu tiêu dùng Tết âm lịch…

CPI năm 2009: “Nén” và “nhả” - Ảnh 1

Nén ...


Nhưng, CPI nén lực căng rõ rệt trong giai đoạn kế tiếp, từ tháng Tư đến tháng Tám. Sau khi từng bước leo dốc và đạt đỉnh 0,55% trong tháng Sáu, chỉ số giá hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,24% trong tháng Tám.

Mức chênh lệch trong giai đoạn này chỉ 0,31 điểm phần trăm và gần như không có đột biến lớn. Tuy nhiên, đằng sau con sóng nhẹ ấy là những dải đá ngầm đang dần lộ diện.

Gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD được đưa ra lần đầu tiên vào ngày 2/12/2008, thì đến cuộc họp Chính phủ cuối tháng Hai, hình hài và vóc dáng đã hình thành. Cũng trong thời gian này, đã có những công bố tổng giá trị gói kích cầu lên đến 6 tỷ USD, thậm chí hơn nữa.

Từ khoảng tháng Tư, các chính sách như hỗ trợ 4% lãi suất; miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2009; giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa; giãn thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế giá trị gia tăng; và hàng loạt chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, tăng chi tiêu công… bắt đầu chuyển mạnh vào đời sống kinh tế xã hội.

Tác động trực tiếp tới sức mua, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính cho tới tháng 8/2009 đã có sự cải thiện. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng đạt 18,4%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,3%.

Trong khi đó, giá một số nguyên liệu trên thế giới bắt đầu hồi phục, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Ở trong nước, từ ngày 2/4, xăng A92 tăng lên 11.500 đồng/lít; tiếp tục tăng thêm 500 đồng vào ngày 11/4; và mức tăng tương tự cũng được áp dụng đồng loạt vào ngày 8/5/2009…

Tính cho đến ngày 30/8, giá xăng dầu đã tăng 7 lần liên tiếp, chốt lại mặt bằng giá mới ở mức xăng A92 có giá bán 15.700 đồng/lít, dầu hỏa giá 14.000 đồng/lít, dầu diezel giá 13.100 đồng/lít. Đây là lực đẩy chỉnh, tác động trực tiếp đến các nhóm phương tiện đi lại, bưu điện, với mức tăng tới 3,81% so với tháng 12/2008.

Giá thép sản xuất trong nước khởi đầu năm 2009 chỉ trên 10 triệu đồng mỗi tấn, đến giai đoạn này đã được điều chỉnh gần chục lần, tăng lên trên 11,6 triệu đồng/tấn, thêm sức đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 8,56%, nếu so thời điểm tháng Tám với cuối năm 2008.

Nhưng ngược lại, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam lại giảm trong chu kỳ nén này, từ mức 451,22 USD/tấn của tháng Tư xuống mức kỷ lục ngược 392,52 USD/tấn trong tháng Tám. Tác động đến giá cả trong nước, so với tháng 12/2008, chỉ số giá mặt hàng lương thực tháng 8/2009 giảm 0,75%.

Trong 8 tháng đầu năm 2009, sự dồn nén của chỉ số giá gây sức ép giảm lãi suất hệ thống ngân hàng thương mại. Khởi đầu từ việc giảm lãi suất cơ bản từ 10% xuống mức 8,5% từ cuối tháng 12/2008, đến 1/2/2009 lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam tiếp tục hạ xuống còn 7% và duy trì đến gần cuối năm.

Cũng trong giai đoạn này, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, VN-Index chứng kiến sức đi lên mạnh mẽ, chính phục các đỉnh 347,07 điểm vào ngày 14/4; tiếp đến là 512,46 điểm ngày 9/6; và 547,69 điểm ngày 1/9/2009.

...Và nhả

Bước sang tháng Chín, đã xuất hiện những diễn biến “ngược dòng”. Ở giai đoạn bật nhả đầu tiên, CPI đạt đỉnh ở mức tăng 0,62% trong tháng Chín rồi tạm “nghỉ” ở mức tăng 0,37% của tháng Mười sau đó. So với chu kỳ trước, các con số đỉnh và đáy tương ứng đều cao hơn, báo hiệu những lo ngại tiềm ẩn của lạm phát tiếp tục gia tăng.

Sự điều chỉnh nhỏ trong tháng Mười được hỗ trợ một phần từ việc giá xăng dầu giảm lần đầu tiên trong năm vào ngày 1/10. Giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng rất nhẹ so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, xu hướng giá này không giữ được lâu. Năm 2009 rút ngắn dần, cùng lúc áp lực tăng chỉ số giá ngày càng đè nặng. Bước gần vào cuối năm, tiêu dùng và đầu tư trong nước có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Về cầu kéo, tính đến 30/10/2009, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 23,99%. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố, tín dụng tăng trưởng 37,73% so với cuối năm 2008…

Về tác động của tăng giá trên thị trường thế giới, đến tháng 11/2009, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 451,31 USD/tấn. Do có quyền số cao tới hơn 40% trong rổ hàng hóa tính CPI, tăng giá lương thực tác động mạnh đến giá cả trong nước, CPI nhóm hàng này tháng 12/2009 đã tăng 7,54% so với một năm trước đó.

Đối với chi phí đẩy, do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ở trong nước từ ngày 20/11,giá xăng A92 tăng thêm 800 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít; dầu hoả tăng 1.000  đồng/lít; dầu mazut tăng 500 đồng/kg.

Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn này cũng thay đổi nhanh chóng. chỉ số giá USD đã tăng 10,7% trong vòng 1 năm, tính đến tháng 12/2009, gây áp lực rất lớn lên giá hàng hóa nhập khẩu và các mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 12,45%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 12,58%; đồ uống thuốc lá tăng 7,56%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 6,05%... trong 12 tháng qua.

Liên quan đến diễn biến chỉ số giá, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng từ 7% lên 8% từ ngày 1/12. Ngược lại, VN-Index sau khi đạt đỉnh cao ở mức 624,1 điểm vào ngày 22/10, lập tức đảo chiều đi xuống. Đáy xác lập thấp nhất vào ngày 17/12 ở mức 434,87 điểm.

Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến tính trong ngày 1/11/2009 so với đúng 1 năm trước đó tăng 0,2%. Thời gian gần đây tồn kho có xu hướng tăng lên, so với 1 tháng trước chỉ số này trong ngày 1/11 đã tăng 0,7%.

Năm 2009 khép lại với chỉ số giá chấp nhận được trong tất cả các mức so sánh. Nhưng sự gia tăng mạnh mẽ chỉ số CPI tháng cuối cùng của năm khiến niềm vui chưa thể trọn vẹn trong những ngày đón năm mới 2010.