12:26 29/05/2021

CPI tăng 1,29% do chịu tác động mạnh từ việc tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa

Huyền Vy

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%...

CPI 5 tháng đầu năm 2021 tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
CPI 5 tháng đầu năm 2021 tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

CPI tăng 1,29% do chịu tác động mạnh từ việc tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa - Ảnh 1

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 0,76% (làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và ngày 12/5/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá dầu hỏa tăng 5,07%. Nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,09% chủ yếu do thời tiết nắng nóng khi vào hè làm nhu cầu giải khát và tiêu dùng các mặt hàng như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực giảm 0,09%; thực phẩm giảm 0,05%; riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31% chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5.

Nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lan rộng tại nhiều địa phương, người dân tăng mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch làm giá các loại thuốc tăng 0,03%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%.

Chỉ  số  CPI  tháng  từ  tháng  5/2020 đến  tháng  5/2021

Trong 3 nhóm hàng có chỉ số giảm, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,23% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,7%, bên cạnh đó, giá nhóm cây, hoa cảnh giảm 2,05% do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng.

Mức lạm phát cơ bản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

CPI tăng 1,29% do chịu tác động mạnh từ việc tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa - Ảnh 2

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021 giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2021 đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).